Báo cáo chuyên sâu ngành Hóa chất Việt Nam

12:41 | 03/06/2017

Hóa chất là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng

Hóa chất là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như phân bón, sơn và mực in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa…Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp ngành hóa chất đạt hơn 270 nghìn tỷ, đóng góp 16,8% vào giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 6,5% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đọan 2010 – 2014 đạt mức cao là 19,25%. Dự báo ngành hóa chất sẽ tăng trưởng với tốc độ 17,49% trong giai đoạn 2014 – 2018, đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo.

Ngành hóa chất có 8 phân nhóm sản phẩm bao gồm: phân bón và hợp chất nito, chất tẩy rửa, hạt nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp, hóa chất cơ bản, sơn và mực in, thuốc bảo vệ thực vật, sợi nhân tạo và các sản phẩm hóa chất khác không thuộc các nhóm trên. Phân bón và hợp chất Nito chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành theo doanh số tiêu thụ (khoảng 30%), đứng thứ 2 là nhóm sản phẩm chất tẩy rửa, nhóm sợi nhân tạo chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh số toàn ngành. Phân bón và chất tẩy rửa cũng là một trong những nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao trong khi các nhóm sản phẩm khác như thuốc bảo vệ thực vật đang có dấu hiệu chững lại về sản lượng cũng như doanh thu.

Một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành hóa chất Việt Nam là khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào còn yếu, do vậy, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho ngành hóa chất đều phải nhập khẩu. Trong nhiều năm liền, hóa chất luôn nằm trong top 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất và thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc. Nguyên nhân một phần do ngành công nghiệp hóa dầu trong nước chưa phát triển, hiện nay cả nước chỉ mới có duy nhất nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nội địa. Điều này khiến ngành hóa chất phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào, ảnh hưởng lớn đến giá cả sản phẩm đầu ra cũng như biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hệ thống máy móc kỹ thuật của ngành hóa chất phần lớn chỉ ở mức độ trung bình khá so với một số nước trong khu vực nên năng suất của ngành hưa cao và giá trị gia tăng còn thấp. Vì vậy, sản lượng nội địa ở một số nhóm sản phẩm chưa thể đáp ứng nhu cầu nội địa như hóa chất cơ bản, sợi nhân tạo, hạt nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp.

Ngành công nghiệp hóa chất là ngành có nhiều rủi ro đặc thù, đặc biệt là rủi ro về an toàn khi sử dụng và rủi ro ô nhiễm môi trường. Do vậy, các chính sách, quy định quản lý của nhà nước đối với ngành cũng chặt chẽ hơn, đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành phải chi tiêu cao hơn cho bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ cũng như hệ thống xử lý nước thải, khiến chi phí đầu tư của doanh nghiệp tăng cao, góp phần nâng cao rào cản gia nhập ngành.

Các doanh nghiệp trong ngành đa phần có quy mô vừa và nhỏ và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn đa quốc gia vốn có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ cũng như chiến lược marketing tốt hơn, trong một số lĩnh vực, các tập đoàn đa quốc gia gần như nắm giữ thị phần chi phối hoàn toàn thị trường trong nước như chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu thực hiện gia công cho các tập đoàn đa quốc gia đồng thời tìm kiếm thị trường ngách để tồn tại.

Ngành hóa chất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Với quy hoạch phát triển ngành hóa chất của chính phủ, xu hướng tham gia hội nhập sâu rộng trên thế giới cũng như vốn đầu tư nước ngoài gia tăng thì ngành hóa chất vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển.

(Dongachem sưu tầm)

Bình luận, Hỏi đáp