Cách xử lý nước thải nhà hàng hiệu quả, an toàn

10:05 | 17/07/2024

Tác giả:

Nước thải nhà hàng là nguồn nước thải phát sinh từ các hoạt động nấu nướng, rửa chén, rửa bát đũa, rửa rau củ quả, rửa tay, vệ sinh của khách hàng,…. Nếu không được xử lý đúng cách trước khi xả thải ra môi trường tự nhiên, nước thải nhà hàng có thể gây ô nhiễm môi trường vì nó thường chứa các hợp chất hữu cơ và vô cơ. Vậy thành phần nước thải nhà hàng là gì và cách xử lý nước thải nhà hàng ra sao? Cùng Đông Á trả lời những vấn đề này các bạn nhé. 

Các nguồn phát sinh nước thải nhà hàng khách sạn

xử lý nước thải nhà hàng

Nước thải nhà hàng, khách sạn phát sinh chủ yếu từ khu bếp

Việc xử lý nước thải nhà hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Nước thải nhà hàng phát sinh từ các hoạt động duy trì việc kinh doanh hàng ngày của nhà hàng. Dưới đây là một số nguồn gốc phát sinh chính của nước thải từ nhà hàng: 

  • Các hoạt động nấu nướng, chế biến và chuẩn bị thực phẩm chính là nguồn gốc phát sinh của các chất hữu cơ, dầu mỡ, protein cùng nhiều chất dinh dưỡng khác trong nước thải. 

  • Hoạt động rửa chén, dụng cụ nấu nướng và bát đũa cũng tạo ra một lượng lớn nước thải chứa các hạt rắn, dầu mỡ và các chất hóa học có trong nước tẩy rửa.

  • Nước thải từ các hoạt động vệ sinh, rửa tay trong nhà hàng cũng đóng góp vào tổng lượng nước thải một lượng lớn chất hóa học từ xà phòng và chất diệt khuẩn.

  • Nước thải từ việc pha chế thức uống và hoạt động bar trong nhà hàng có chứa các hợp chất hữu cơ và vô cơ từ các nguyên liệu như rượu, đường và các hương liệu.

  • Nếu nhà hàng cung cấp dịch vụ phòng ăn đầy đủ, nước thải từ toilet và phòng vệ sinh cũng là một nguồn gốc phát sinh nước thải nhà hàng.

Thành phần nước thải nhà hàng là gì?

Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, chúng ta có thể dễ dàng biết được nước thải nhà hàng sẽ chứa các thành phần như sau:

Chất hữu cơ

Bao gồm các chất có trong thực phẩm như protein, carbohydrate, BOD5, COD, Nitơ, Photpho, chất béo và dầu mỡ. Những chất này thường xuất hiện trong nước thải do việc nấu nướng, chế biến và bảo quản thực phẩm. Cụ thể thì trong nước thải sinh hoạt ở các nhà hàng, lượng protein chiếm từ 40 - 50%, hydratcarbon là 40 - 50%, chất béo là 5 - 10%. Nồng độ chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt dao động từ 150 – 450 mg/l

Hóa chất và chất tẩy rửa

Các chất này bao gồm các loại hóa chất sử dụng để rửa chén, dụng cụ nấu nướng, bát đũa và các bề mặt khác trong nhà hàng. Chúng có thể bao gồm các chất tẩy rửa mạnh như detergent, chlorine, ammonia và các hợp chất khác.

Chất vô cơ

Thành phần nước thải nhà hàng chứa nhiều chất vô cơ

Bao gồm các ion như nitrat, nitrit, phosphate, sulfate và các kim loại nặng như đồng, kẽm, chì, thủy ngân. Chúng phát sinh từ các nguồn khác nhau như từ hóa chất, vật liệu xây dựng và thiết bị nhà hàng.

Vi sinh vật gây hại

Nước thải có thể chứa các mầm bệnh và vi sinh vật gây hại từ thực phẩm và từ các hoạt động vệ sinh. Nước thải từ quá trình chuẩn bị và chế biến thực phẩm có thể chứa các vi khuẩn như Salmonella, E. coli và Staphylococcus aureus nếu thực phẩm không được xử lý, bảo quản hoặc nấu nướng đúng cách. 

Ngoài ra, các chất tẩy rửa mạnh có thể làm giảm số lượng vi khuẩn nhưng cũng có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của các loài vi khuẩn khác nếu nó được sử dụng không đúng cách.

Tính chất nước thải nhà hàng, khách sạn là gì

Nước thải từ nhà hàng và khách sạn có những đặc điểm tính chất chung như sau:

  • Hàm lượng hữu cơ cao: Nước thải từ nhà hàng và khách sạn thường chứa nhiều chất hữu cơ từ quá trình sơ chế, nấu nướng và làm sạch.

  • Nồng độ bùn lớn: Do hoạt động nấu nướng và rửa chén nhiều, nước thải thường có nồng độ bùn cao, gồm các hạt rắn hữu cơ và vô cơ.

  • Các chất hóa học: Sử dụng các chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn và các chất hóa học khác trong quá trình vệ sinh cũng làm tăng nồng độ các hợp chất này trong nước thải.

  • Nhiệt độ cao: Nước thải từ nhà hàng và khách sạn thường có nhiệt độ cao hơn so với nước thải từ hộ gia đình do hoạt động nấu nướng và làm việc trong nhà bếp.

  • Tính axit hoặc kiềm: Tùy thuộc vào loại chất tẩy rửa và chất phụ gia được sử dụng, nước thải có thể có tính axit hoặc kiềm khác nhau.

  • Màu sắc và mùi: Nước thải có thể có màu sắc và mùi khác nhau tùy thuộc vào loại thực phẩm được chế biến và các chất hóa học sử dụng trong quá trình hoạt động.

Do các đặc tính này, việc xử lý nước thải từ nhà hàng và khách sạn trở thành một vấn đề quan trọng, giúp đảm bảo không gian sống và làm việc xung quanh không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường.

Cách xử lý nước thải nhà hàng

Xử lý nước thải nhà hàng, khách sạn

Xử lý nước thải nhà hàng, khách sạn

Xử lý nước thải từ nhà hàng là một quá trình quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Nước thải nhà hàng khách sạn từ các nhà bếp, nhà hàng và từ các hầm tự hoại sẽ được gom theo hệ thống thoát nước và chạy đến hệ thống xử lý nước thải tập trung. Sau đó, chúng sẽ được xử lý theo quy trình sau: 

  • Song chắn rác

Trước khi bước vào quá trình xử lý, nước thải sẽ được chảy qua song chắn rác nhằm loại bỏ các tạp chất hữu cơ có kích thước lớn như rau cỏ, bao nylon, bông băng, giấy vụn… . Từ đó tránh được các hư hại cho hệ thống hoặc tắt nghẽn bơm.

  • Bể tách dầu

Nước thải nhà hàng phát sinh từ khu vực nhà ăn nên nó sẽ chứa một lượng dầu mỡ lớn. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, lượng dầu mỡ này sẽ ức chế hoạt động của các vi sinh vật sống trong nước.

Nhiệm vụ của bể tách dầu chính là tách và giữ lại dầu mỡ trong bể trước khi đưa nước thải vào hệ thống xử lý, tránh nghẹt bơm, đường ống và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình xử lý sinh học phía sau. Bể hoạt động theo nguyên lý là tỷ trọng của dầu nhỏ hơn so với tỷ trọng của nước. 

Định kỳ, người ta sẽ tiến hành hút bỏ dầu mỡ tách ra theo quy định. Phần nước thải sau khi được tách mỡ sẽ được chuyển tới hố thu gom.

  • Hố thu gom

Tác dụng chính của hố thu gom là thu gom nước thải trước khi được đưa tới bể điều hoà. Trong bể sẽ  lắp đặt 2 máy bơm chìm có hệ thống điều khiển tự động thông qua phao 2 mức, đó là mức cạn tát và khi đầy bơm sẽ bơm nước thải lên bể điều hoà.

  • Bể điều hòa

Bể điều hòa là nơi tập trung mọi nguồn nước thải thành một nguồn duy nhất. Nó cũng là nơi chứa nước thải để cho hệ thống hoạt động liên tục. Do tính chất của nước thải dao động theo các khoảng thời gian trong ngày, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như nguồn phát thải và thời gian thải nước mà bể điều hòa có nhiệm vụ là điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải. Từ đó tạo chế độ làm việc ổn định và liên tục cho toàn hệ thống xử lý, tránh trường hợp hệ thống xử lý bị quá tải.

Nước thải trong bể điều hòa sẽ được sục khí liên tục từ máy thổi khí và hệ thống đĩa phân phối khí. Mục đích của việc này là tránh để xảy ra hiện tượng yếm khí dưới đáy bể. Sau khi qua bể điều hòa, nước thải sẽ được bơm lên bể sinh học kị khí.

  • Bể Anoxic

Trong thành phần của nước thải nhà hàng, khách sạn có chứa các hợp chất của nito, photpho. Những hợp chất này cần phải được loại bỏ ra khỏi nước thải để làm sạch nước. Tại bể Anoxic, trong điều kiện thiếu khí, hệ vi sinh vật thiếu khí phát triển sẽ xử lý nito và photpho thông qua quá trình nitrat hóa và photphoril.

  • Bể Aerotank

Bể Aerotank được đặt sau bể Anoxic và được biết đến là loại bể dùng để xử lý hiếu khí nhằm giúp loại trừ các chất ô nhiễm hữu cơ còn lại. Nói cách khác, đây được coi là một quá trình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí. Phương pháp này được chứng minh là rất hiệu quả trong các hệ thống xử lý nước thải cả trong và ngoài nước hiện nay.

Phương pháp này được coi là quy trình giúp cải tiến các thông số thiết kế, vận hành, từ đó đem lại hiệu quả xử lý cao và giảm bớt chi phí đầu tư, vận hành.

Tại bể Aerotank, một phần oxy không khí sẽ được hệ thống máy thổi khí bơm vào bể. Các vi sinh vật hiếu khí sẽ sinh trưởng và phát triển sinh khối nhờ vào việc tiêu thụ các chất hữu cơ gây ô nhiễm. Cụ thể thì quá trình này sẽ diễn ra như sau: 

- Không khí được đưa vào bằng máy thổi khí đã được lắp đặt sẵn. Lưu ý rằng lượng oxy hòa tan trong nước thải phải luôn được đảm bảo duy trì ở mức 2 – 4 mg/l nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các sinh vật sống tiêu thụ chất hữu cơ có trong nước thải. 

- Tại đây, các chất ô nhiễm hữu cơ sẽ được vi sinh vật sử dụng làm thức ăn để tạo nên tế bào mới. Sản phẩm chủ yếu của quá trình này là CO2, H2O và sinh khối vi sinh vật.

  • Bể lắng

Nhiệm vụ của bể lắng là lắng các bông bùn vi sinh từ quá trình sinh học, sau đó tách các bông bùn này ra khỏi nước thải. Phần nước trong trên mặt sẽ chảy vào máng thu nước qua bể lọc.

  • Bể lọc

Có tác dụng lọc những cặn bẩn có kích thức nhỏ mà bể lắng chưa lắng được. Sau khi được lọc xong, nước sẽ được dẫn qua bể khử trùng.

  • Bể khử trùng

Tại bể khử trùng, Chlorine được châm vào nước với nồng độ, liều lượng thích hợp nhằm tiêu diệt các vi khuẩn, ấu trùng vi sinh vật gây hại. 

Hệ thống xử lý nước thải nhà khách sạn, nhà hàng

Hệ thống xử lý nước thải nhà khách sạn, nhà hàng

  • Bồn lọc áp lực

Chức năng của bồn lọc áp lực là giữ lại các hạt cặn lơ lửng, giảm hàm lượng SS và mùi có trong nước thải. Nó giúp đảm bảo chất lượng nước đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật QCVN 14:2008/BTNMT và đủ điều kiện để thải ra môi trường. 

  • Bể phân hủy bùn

Bể cuối cùng của hệ thống xử lý nước thải nhà hàng chính là bể phân hủy bùn. Phần bùn dư từ bể lắng sinh học và từ quá trình rửa lọc sẽ được bơm về bể phân huỷ bùn. 

Tại đây, bùn sẽ được tách nước và chảy về hố gom để xử lý. Phần bùn sau khi được lắng sẽ được phân hủy kỵ khí và được hút bỏ định kỳ.

Đó là toàn bộ quy trình xử lý nước thải nhà hàng mà Đông Á đã tổng hợp lại để chia sẻ với bạn đọc. Nếu thấy bài viết này hay và hữu ích, các bạn hãy chia sẻ ngay nó đến mọi người các bạn nhé.

 

Bình luận, Hỏi đáp