Lợi ích của việc quản lý ao nuôi tôm
Quản lý ao nuôi tôm giúp đảm bảo vụ mùa thành công
Quản lý ao nuôi tôm hiệu quả sẽ giúp việc duy trì và tăng cường năng suất cho vụ nuôi. Cụ thể, việc quản lý này có thể mang lại các lợi ích sau:
- Kiểm soát được chất lượng nước: Theo dõi và duy trì chất lượng nước là việc quan trọng cần làm khi quản lý ao nuôi tôm. Khi thực hiện việc này, bà con cần kiểm tra các thông số như độ pH, nồng độ oxy hòa tan, hàm lượng amoniac và nhiệt độ để đảm bảo môi trường sống tốt cho tôm.
- Quản lý thức ăn: Đảm bảo tôm được cung cấp đủ thức ăn bằng cách xây dựng lịch cho ăn, chọn loại thức ăn phù hợp và kiểm soát lượng thức ăn, tránh trường hợp cho ăn quá ăn hoặc bị thiếu.
- Đảm bảo môi trường sống: Bảo vệ ao nuôi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và các loại sinh vật gây bệnh khác bằng cách sử dụng các loại hóa chất an toàn, cải thiện hệ thống lọc nước và điều chỉnh mật độ nuôi tôm sao cho phù hợp với diện tích ao.
- Kiểm soát mật độ nuôi: Khi nuôi, bà con tránh nuôi với tôm với mật độ cao. Bởi lẽ đây là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe cho tôm.
Cách quản lý ao nuôi tôm
Để quản lý ao nuôi tôm đúng cách, hiệu quả, bà con cần quan tâm đến các yếu tố sau:
Chất lượng nước và chất đất
Khi bắt đầu mùa vụ nuôi tôm, chất lượng nước và chất đất là 2 yếu tố quyết định đầu tiên. Trong khi môi trường nước ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm thì chất đất ảnh hưởng đến độ pH trong ao.
- Môi trường nước
- Thường xuyên cải tạo và thay mới khi cần thiết.
- Loại bỏ cành lá, rác thải,… ra khỏi nguồn nước để đảm bảo sự sạch sẽ.
- Chất đất
- Kiểm tra độ phèn của đất, đặc biệt là tránh nuôi tôm ở vùng đất phèn. Nếu bắt buộc phải nuôi ở đó, bà con hãy sử dụng biện pháp lót bạt đáy ao để hạn chế sự tiếp xúc giữa nước và đất phèn.
- Tiến hành làm sạch ao trước mỗi mùa vụ để giảm thiểu dịch bệnh.
Độ pH
Đo độ pH của nước
Độ pH trong nước rất dễ thay đổi, đặc biệt là sau các trận mưa lớn. Khi độ pH thay đổi đột ngột, sức khỏe của tôm cũng có thể bị giảm đi. Vậy nên bà con cần kiểm tra pH nhiều lần trong ngày để điều chỉnh kịp thời. Bà con cần duy trì độ pH ở khoảng từ 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng với chiều không quá 0,5 đơn vị.
- Khi pH của nước thấp hơn 7,5, bà con nên thay nước. Khi trời mưa thì rải vôi bột xung quanh bờ ao với liều lượng từ 20 - 30kg/1.000m2 tùy giá trị pH đo được.
- Khi độ pH vượt mức 8,5, bà con cần thay nước để làm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, sử dụng vôi với lượng vừa đủ để giữ độ kiềm không quá cao.
Lưu ý là khi cải tạo ao, bà con cần phải phải kiểm tra độ pH đất để tránh quá lượng vôi cần thiết, nếu cần thì dùng một số hợp chất có tính axit để giảm pH.
Nhiệt độ
Nhiệt độ vào ban đêm thường thấp hơn ban ngày và khi nhiệt độ này xuống thấp, tôm thường có xu hướng di chuyển vào vùng bùn. Đây là nơi dễ tích tụ khí H2S, một khí gây độc cho tôm. Ngoài ra thì khi nhiệt độ thấp, tôm sẽ ít hoạt động hơn. Khi nhiệt độ giảm đi 1 độ C, hoạt động trao đổi chất của tôm sẽ giảm khoảng 10%.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ, bà con cần chạy sục khí để ngăn sự phân tầng nhiệt trong ao. Bên cạnh đó, bà con cần lưu ý là không nên cho tôm ăn vào ban đêm, tránh lãng phí thức ăn vì ở thời điểm này, cơ thể tôm hấp thụ được ít dinh dưỡng từ thức ăn.
Nồng độ oxy hòa tan
Nồng độ oxy hòa tan trong nước ao đạt mức cao nhất vào buổi chiều và thấp nhất vào buổi sáng sớm. Nguyên nhân là do quá trình quang hợp và hô hấp của tảo trong ao. Vào ban ngày, nơi có nồng độ oxy lớn nhất là ở gần mặt nước vì cường độ ánh sáng và nhiệt độ giảm dần theo độ sâu.
Theo dõi lượng oxy hòa tan có vai trò rất quan trọng trong các ao nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Bởi lẽ những mô hình này thường nuôi tôm với mật độ cao và tạo ra nhiều chất độc hại. Đối với các ao nuôi thâm canh, bà con nên đo nồng độ oxy khoảng 2 - 3 giờ một lần vào ban đêm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để đảm bảo tôm được cung cấp đủ oxy để hô hấp, bà con nên lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt nước cho ao nuôi. Bên cạnh đó, bà con cũng không nên bón thừa phân hoặc cho tôm ăn quá nhiều để hạn chế sự phát triển của tảo. Tảo phát triển nhiều trong ao cũng là nguyên nhân khiến nước bị thiếu oxy.
Bà con nên lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt nước cho ao nuôi
Độ mặn
Mỗi loại tôm lại có một yêu cầu khác nhau về độ mặn và nó còn thay đổi theo từng thời điểm trong quá trình sinh trưởng. Độ mặn tốt nhất cho tôm sú là 15 – 20%, tôm thẻ chân trắng là 10 – 25%, biến động trong ngày không vượt quá 5%.
Hiện nay, phần lớn các khu nuôi tôm thường lấy nước từ vùng cửa sông nên việc đo độ mặn chỉ cần thực hiện 1 – 2 lần/tuần. Bởi lẽ vùng nước này có độ mặn thay đổi theo mùa và thay đổi từ từ, trừ khi chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều.
Hầu hết các môi trường ao nuôi trong cùng một khu vực sẽ có độ mặn giống nhau. Vậy nên bà con không cần phải đo độ mặn ở tất cả các ao. Nếu khu nuôi có nguồn nước khác nhau, bà con cần đo độ mặn của từng ao.
Độ kiềm
Độ kiềm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lột xác của tôm. Độ kiềm thích hợp cho tôm sú dao động từ 80 - 140 mg/l, tôm thẻ chân trắng là 120 - 150 mg/l. Nếu thấy tôm bị mềm vỏ trong thời gian dài thì độ kiềm đang ở dưới mức thích hợp, nhất là ở những vùng nuôi có độ mặn thấp.
Khi độ kiềm xuống thấp dưới mức phù hợp, bà con nên sử dụng các sản phẩm khoáng chất có thành phần chính là CaCO3. Liều lượng thích hợp là 20 - 30 kg/1.000 m3.
Mức nước trong ao
Đối với độ sâu của nước ao, bà con cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3 m với ao nuôi tôm sú, 1,5 m với ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, khi mưa lớn hoặc trời nắng gắt, bà con cần tăng cường quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế những tác động xấu đối với tôm.
Quản lý lượng tảo lục trong ao tôm
Quản lý lượng tảo có trong ao
Trong mùa mưa, việc quản lý ao nuôi tôm không tốt có thể tạo điều kiện cho tảo lục xuất hiện, phát triển và khiến nước ao có màu xanh như nước rau má. Khi đó, ao tôm sẽ có hiện tượng tảo tàn, độ pH dao động mạnh trong ngày, thiếu oxy vào lúc sáng sớm khiến tôm bị đóng rong, đen mang, vàng mang…
Để khắc phục hiện tượng này, bà con sử dụng thuốc để diệt tảo. Lưu ý là tạt thuốc vào 1/3 ao phía cuối gió vào lúc nắng gắt và không bật quạt nước, sau đó vớt tảo tàn ở phía cuối gió, đồng thời sử dụng thêm Zeolite để hấp thụ khí độc do xác tảo lắng xuống dưới đáy ao bị phân hủy sinh ra.
Các khí độc trong ao tôm
Các khí độc xuất hiện trong ao tôm như H2S, NH3, CH4 sinh ra từ quá trình phân hủy thức ăn dư thừa, phân tôm, xác tảo trong điều kiện thiếu oxy. Khi bị nhiễm độc, thân tôm thường chuyển sang màu đỏ nhạt, vỏ ốp, bơi lờ đờ ở trên mặt nước, ăn ít đi, thậm chí khi bị nặng, tôm có thể tấp bờ, chết rải rác đến chết hàng loạt.
Để tránh tình trạng này, bà con cần thực hiện các việc sau:
- Cho tôm ăn với lượng vừa đủ, tránh để dư thừa thức ăn.
- Thay nước thường xuyên vào những tháng cuối để đảm bảo sự sạch sẽ, an toàn.
- Tăng cường chạy hệ thống máy quạt nước để đảm bảo quá trình lưu thông của nước, bổ sung thêm oxy cho nước.
- Định kỳ sử dụng men vi sinh, xiphon đáy ao và hút chất thải ra ngoài khi tôm nuôi được hơn 70 ngày tuổi.
Trong trường hợp phát hiện có khí độc trong ao tôm, bà con có thể sử dụng muối hạt để rải trực tiếp xuống đáy ao vào lúc trời có nắng. Liều lượng muối hạt sử dụng ở đây là 10kg/1.600m2, lặp lại liên tục từ 2 - 3 lần. Đồng thời bổ sung thêm canxi, photpho, vitamin C cho tôm ăn trong một tuần.
Quản lý nước nuôi tôm không bị đục
Khi mưa lớn xảy ra, nước ao tôm thường bị đục do chất hữu cơ, hạt sét bị nước mưa cuốn trôi từ trên bờ xuống. Ngoài ra, việc cho tôm ăn nhiều, nuôi tôm với mật độ lớn cũng khiến nước ao nhanh bị đục do chất thải của tôm và thức ăn dư thừa.
Khi nước đục, khả năng quang hợp của tảo bị giảm đi khiến tôm thiếu oxy, tảo thường tàn đột ngột, tôm bị đen mang hoặc vàng mang do bị những vật chất lơ lửng trong nước bám vào. Để kiểm tra độ đục, bà con có thể dùng đĩa Secchi. Tầm nhìn của đĩa Secchi từ 40 - 50cm được coi là khoảng lý tưởng đối với hầu hết các ao nuôi tôm.
Đo độ trong bằng địa Secchi
Với trường hợp này, bà con nên dùng thạch cao với liều lượng 30 kg/1.000m2 để làm trong nước, thực hiện lặp lại 2 - 3 lần. Sau khi nước giảm đục, bà con cần tiến hành gây màu tảo để tạo môi trường nước ổn định cho tôm nuôi.
Quản lý ao nuôi tôm đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nước là môi trường sống chính của tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng tôm nuôi. Môi trường nước lý tưởng không chỉ giúp tôm duy trì sức khỏe mạnh mẽ mà còn giúp chúng tăng trưởng nhanh, cho hiệu suất cao. Đồng thời, việc này cũng giúp làm giảm thiểu rủi ro và tổn thất trong quá trình nuôi tôm.