Một số giải pháp phòng ngừa và tiêu diệt ký sinh trùng trên tôm đem lại hiệu quả cao

02:56 | 06/06/2024

Ký sinh trùng trên tôm là một vấn đề không hề hiếm gặp trong ngành nuôi tôm. Có nhiều loại ký sinh trùng có thể gây hại cho tôm như các loại như ký sinh trùng đơn bào, đa bào, ký sinh trùng đốm trắng,…. Những loại ký sinh trùng này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho tôm như giảm tăng trưởng, suy yếu, tử vong đột ngột và giảm chất lượng sản phẩm. Để kiểm soát ký sinh trùng trên tôm, bà con hãy theo dõi bài viết ngày hôm nay của chúng tôi nhé.

Nguyên nhân xuất hiện ký sinh trùng trên tôm

Nguyên nhân tôm bị nhiễm ký sinh trùng

Nguyên nhân tôm bị nhiễm ký sinh trùng

Có một số nguyên nhân gây ra sự xuất hiện và lây lan của ký sinh trùng trong ao nuôi tôm, đó là:

Nhiễm theo chiều dọc từ tôm mẹ sang tôm con

Tôm mẹ bị nhiễm ký sinh trùng nên trứng tôm khi nở thành ấu trùng và phát triển ra tôm con cũng bị nhiễm ký sinh trùng.

Nhiễm theo chiều ngang

Những con tôm khỏe mạnh trong ao nuôi tôm ăn phải những con đã chết do bị nhiễm ký sinh trùng.

Nhiễm ký sinh trực tiếp

  • Nước ao nuôi tôm bị ô nhiễm đã tạo môi trường sống lý tưởng cho sự phát triển của các loại ký sinh trùng.
  • Các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ pH và độ mặn của nước cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại ký sinh trùng.
  • Một số loại động vật như ốc, tôm, cua, cá có thể làm nhiễm ký sinh trùng trên tôm và lây lan cho tôm trong ao.
  • Tảo độc trong ao nuôi tôm có thể sản xuất ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột của tôm, khiến ruột tôm không thể hấp thụ được thức ăn và bị rỗng.
  • Sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc chứa các loại ký sinh trùng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trên ôm.
  • Khâu vệ sinh ao nuôi tôm không đảm bảo an toàn cũng có thể làm tăng nguy cơ lây lan của ký sinh trùng.
  • Việc thiếu kiểm soát trong quá trình quản lý ao nuôi cũng có thể tạo điều kiện cho sự phát triển và lây lan của ký sinh trùng.

Điều kiện phát triển bệnh ký sinh trùng trên tôm

Bệnh ký sinh trùng thường gặp ở tôm đạt từ 40 – 50 ngày tuổi trở lên, thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, khi mà nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi dày và hoạt động cải tạo ao không đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Tôm nuôi ao đất ở một số trường hợp 10 ngày đã có thể phát hiện nhiễm ký sinh trùng. Điều kiện là trong ao nuôi có nhiều vật chủ trung gian lây lan bệnh như nhuyễn thể hai mảnh vỏ cua, vỏ tôm lột, còng, giun đốt,…

Bên cạnh đó thì chất lượng môi trường nước nuôi kém kết hợp với sự tích lũy của các chất hữu cơ trong ao cao, thức ăn dư thừa trong ao nhiều cũng tạo điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển.

Dấu hiệu nhận biết tôm đang bị nhiễm ký sinh trùng

Dấu hiệu nhận biết tôm nhiễm ký sinh trùng

Dấu hiệu nhận biết tôm nhiễm ký sinh trùng

Có một số dấu hiệu mà dựa vào đó, bạn có thể nhận biết được tôm có bị nhiễm ký sinh trùng hay không, đó là:

  • Tôm bị nhiễm ký sinh trùng thường thay đổi hành vi, chậm phát triển, đặc biệt từ 30 ngày.
  • Cơ thể có nhiều điểm bất thường như thân sưng to, màu sắc thay đổi, xuất hiện các vết thương.
  • Khi soi gan thì thấy gan sưng to, có màu xanh hoặc đen, soi kính thì thấy có ký sinh trùng.
  • Ruột tôm mảnh, nhỏ, cong xoắn, đứt khúc, có đường ruột ziczac và có màu nâu.
  • Tôm ăn nhiều nhưng tiêu hóa kém, phân bị nát, lỏng.
  • Đốt cuối đuôi có dấu hiệu sưng và có màu đục hạt gạo.
  • Tôm bị nhiễm ký sinh trùng nặng sẽ yếu, bơi lờ đờ, dễ bị bắt hoặc không di chuyển bình thường được. Tôm bơi tấp mé vào bờ.
  • Khi quan sát bằng mắt thường thấy gan tôm vẫn khỏe nhưng tôm lại bỏ ăn, đường ruột rỗng và không có thức ăn.
  • ​​Trên mặt nước ao nuôi xuất hiện các sợi phân trắng đục.
  • Tôm bị đục cơ ở các bộ phận gần cuối cơ thể hoặc là ở phần lưng.
  • Tôm nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu chuyển sang màu trắng sữa hoặc trắng đục.
  • Trong một số trường hợp, bạn có thể nhìn thấy các dấu vết của ký sinh trùng trên cơ thể của tôm như các vết lở loét, đốm đỏ,….

Hướng dẫn cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Để diệt ký sinh trùng trên tôm, bà con có thể áp dụng những phương pháp dưới đây:

Sử dụng hóa chất

Có nhiều loại hóa chất có thể được dùng để diệt ký sinh trùng trên tôm. Tuy nhiên khi sử dụng hóa chất, bà con cần phải thực hiện cẩn thận và tuân thủ các hướng dẫn và liều lượng của nhà sản xuất, tránh gây hại cho tôm và môi trường. Sau khi dùng hóa chất, bà con nên thay nước và sục khí. Thay khoảng 20 – 30% nước cho ao nuôi và sục khí dưới đáy ao mạnh để cải thiện môi trường nước, đồng thời tăng lượng oxy hòa tan trong ao.

Sử dụng các loại thức ăn có chứa thành phần chống ký sinh trùng

Có một số loại thức ăn được chứa các thành phần có khả năng ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng trên tôm. Bà con có thể sử dụng loại thức ăn này có thể giúp kiểm soát sự lây lan của ký sinh trùng.

Kiểm soát động vật chủ trung gian

Để ngăn chặn sự lây lan của ký sinh trùng, bà con cần kiểm soát và loại bỏ các loại động vật chủ trung gian như tôm, ốc và cá trong ao nuôi. Cách này sẽ giúp hạn chế đáng kể sự xâm nhập của ký sinh trùng vào ao tôm.

Tăng cường vệ sinh ao nuôi

Duy trì vệ sinh ao nuôi cũng là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của ký sinh trùng trên tôm. Bà con cần loại bỏ hoàn toàn tàn dư thức ăn và chất thải để duy trì môi trường ao sạch sẽ.

Giải pháp phòng ngừa ký sinh trùng trên tôm

Phòng ngừa ký sinh trùng trên tôm là một giải pháp giúp duy trì sức khỏe tôm và đảm bảo được năng suất vụ nuôi. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng mà bà con có thể thực hiện:

  • Chọn mua tôm giống chất lượng cao, khỏe mạnh từ những đơn vị cung cấp uy tín. Đồng thời phải qua các xét nghiệm và đảm bảo không mang các loại ký sinh trùng gây hại.

Chọn mua tôm giống khỏe mạnh, không nhiễm ký sinh trùng

Chọn mua tôm giống khỏe mạnh, không nhiễm ký sinh trùng

  • Đảm bảo rằng nguồn nước sử dụng cho ao nuôi là sạch và không bị ô nhiễm. Trong quá trình nuôi, bà con cần kiểm tra và làm sạch hệ thống lọc nước cũng như bảo dưỡng các thiết bị lọc định kỳ.
  • Sử dụng loại thức ăn chất lượng và có sự kiểm soát về lượng thức ăn cung cấp cho tôm, tránh việc đổ quá nhiều thức ăn vào ao và phải loại bỏ hết thức ăn dư thừa sau khi tôm đã ăn hết.
  • Sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn trong nuôi tôm nhằm giảm tác nhân gây bệnh, bảo vệ sức khỏe của tôm và đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Thúc đẩy quá trình phân hủy các chất hữu cơ, thức ăn dư thừa, phân tôm trong ao hiệu quả bằng các loại men vi sinh dùng trong thủy sản.
  • Bổ sung men vi sinh đường ruột để cải thiện hệ tiêu hóa, tăng mật độ vi sinh có lợi nhằm giúp tôm có một đường ruột khỏe mạnh.
  • Loại bỏ hoặc kiểm soát các động vật chủ trung gian như ốc, tôm, cá trong ao nuôi vì chúng có thể là nguồn lây truyền của ký sinh trùng.
  • Duy trì môi trường nước ao ổn định, đảm bảo các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn và độ pH phù hợp để giảm thiểu nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
  • Một số phương pháp kiểm soát sinh học như sử dụng vi sinh vật có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng cũng có thể được áp dụng.
  • Việc kiểm tra sức khỏe của tôm và giám sát sự phát triển của chúng cũng là giải pháp để phát hiện và xử lý vấn đề kịp thời nếu xảy ra tình trạng tôm nhiễm ký sinh trùng.

Trên đây là một số giải pháp phòng ngừa và tiêu diệt ký sinh trùng trên tôm mà bà con có thể tham khảo. Bà con cần nhớ rằng việc lựa chọn và thực hiện biện pháp diệt ký sinh trùng cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể của ao nuôi, đồng thời phải tuân thủ các hướng dẫn và quy định an toàn.

Bình luận, Hỏi đáp