Lưu lại ngay cách khắc phục tôm thiếu oxy hiệu quả, đơn giản

03:57 | 22/06/2024

Tác giả:

Oxy có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các sinh vật sống trên Trái Đất, trong đó có tôm. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà trong quá trình nuôi, tôm bị thiếu oxy. Vậy nguyên nhân tôm thiếu oxy là gì và cách khắc phục tôm thiếu oxy ra sao. Các bạn hãy cùng đón đọc bài viết ngày hôm nay để có câu trả lời nhé.

Tầm quan trọng của oxy đối với sự phát triển của tôm

Oxy có vai trò quan trọng với sự phát triển và sống còn của tôm

Oxy có vai trò quan trọng với sự phát triển và sống còn của tôm

Trước khi tìm hiểu tới các nguyên nhân và cách khắc phục tôm thiếu oxy, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem oxy có vai trò gì đối với sự phát triển của tôm. Dưới đây là một số vai trò chính của oxy đối với tôm nuôi:

  • Cũng như các sinh vật sống khác, tôm cần oxy để thực hiện quá trình hô hấp, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sinh lý và tăng trưởng. Thiếu oxy có thể khiến tôm bị stress, suy yếu sức khỏe và giảm tỷ lệ sống sót.
  • Các hộ nuôi tôm thường phải đối mặt với vấn đề amoniac do chất thải của tôm sinh ra. Amoniac là một chất độc hại có thể gây ra stress và làm tôm bị tổn thương. Sự hiện diện của oxy trong nước giúp làm giảm độc tính của amoniac bằng cách oxy hóa nó thành nitrat.
  • Cung cấp oxy cho quá trình oxy hóa các chất hữu cơ và các chất cặn bã khác có trong nước, giúp duy trì chất lượng nước tốt hơn và giảm bớt sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
  • Tôm cần oxy để phát triển và sinh sản. Việc cung cấp đủ lượng oxy sẽ giúp tôm phát triển khỏe mạnh và nâng cao hiệu suất sinh sản.

Nguyên nhân tôm thiếu oxy là gì?

Việc tôm thiếu oxy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có một số nguyên nhân chính và thường xảy ra, đó là:

  • Khi tôm nuôi với mật độ lớn, quá đông so với diện tích ao, nhu cầu oxy của tôm sẽ tăng lên đáng kể. Hệ thống xử lý nước không đủ khả năng để cung cấp đủ oxy cho số lượng tôm này, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
  • Khi hệ thống tuần hoàn nước hoạt động không hiệu quả hoặc không đủ số lượng quạt nước cần thiết trong ao nuôi, oxy từ không khí không được đưa vào nước một cách đầy đủ.
  • Các chất thải hữu cơ từ thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm lột,… có thể phân hủy trong nước và tiêu tốn oxy, khiến cho lượng oxy có sẵn trong nước giảm xuống.
  • Tảo tàn, sụp tảo cũng làm cho tôm thiếu oxy tức thời. Khi tảo lam, tảo đỏ, tảo nở hoa, nó sẽ tiêu tốn nhiều oxy trong nước vào buổi tối khiến tình trạng nước ao nuôi bị thiếu oxy.
  • Lượng khí độc như NH3/NH4, NO2, NO3, H2S tăng lên cũng làm ảnh hưởng đến oxy trong nước nuôi tôm.
  • Khi áp suất khí quyển giảm, nước ao nuôi quá sâu, không có gió lưu thông thì ao tôm cũng có thể bị thiếu oxy.
  • Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao có thể làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, làm giảm lượng oxy sẵn có cho tôm.

Một số dấu hiệu nhận biết tôm thiếu oxy cần lưu ý

Dấu hiệu nhận biết tôm thiếu oxy

Dấu hiệu nhận biết tôm thiếu oxy

Bạn có thể nhận biết tôm thiếu oxy thông qua một số dấu hiệu sau đây:

  • Tôm nổi đầu và bơi dạt bờ: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của hiện tượng tôm thiếu oxy. Khi thiếu oxy, tôm có thể bơi lộn ngược trên mặt nước hoặc leo lên các bề mặt trong nước để cố gắng lấy oxy.
  • Tôm thở nặng: Tôm thiếu oxy thường sẽ thở nặng hơn bình thường. Bạn có thể quan sát bụng của tôm để thấy rõ hơn quá trình hô hấp.
  • Tôm thường nổi đứng ở mặt nước: Khi oxy trong nước giảm, tôm thường sẽ nổi đứng ở mặt nước để có thể tiếp xúc trực tiếp với không khí và lấy oxy từ đây.
  • Tôm ít vận động: Khi thiếu oxy, tôm thường bơi lờ đờ, ít hoạt động và dường như là mất hứng thú.
  • Tôm bỏ ăn, giảm ăn: Khi lượng oxy trong ao nuôi thấp, tôm sẽ không bơi xuống đáy săn mồi và tôm bỏ ăn, giảm ăn.
  • Suy giảm tỷ lệ sống: Nếu môi trường nuôi thiếu oxy trong một khoảng thời gian dài, bạn có thể thấy tỷ lệ sống sót của tôm giảm nhanh chóng.
  • Thay đổi màu sắc cơ thể: Nếu quan sát kỹ tôm, bạn sẽ thấy mang tôm chuyển từ màu trắng ngà sang màu hồng.

Cách xác định chính xác vấn đề tôm thiếu oxy hay không

Để tôm sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hàm lượng oxy hòa tan lý tưởng nhất trong ao nuôi tôm nên từ 4 ppm trở lên. Sau khi đã nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở tôm và nghi ngờ đó là do tôm bị thiếu oxy, bạn có thể áp dụng một trong 2 cách dưới đây để kiểm tra nồng độ oxy hòa tan trong ao. Cụ thể là:

Kiểm tra bằng máy đo nồng độ oxy hòa tan

Máy đo nồng độ oxy hòa tan (Máy đo DO) là thiết bị giúp xác định chính xác hàm lượng oxy có trong nước. Với thiết bị này, bạn sẽ thực hiện việc đo đạc theo các bước sau:

  • Bước 1: Tiến hành vệ sinh điện cực của máy để đảm bảo việc đo đạc được hiệu quả và có độ chính xác cao.
  • Bước 2: Hiệu chuẩn máy bằng dung dịch hiệu chuẩn mà nhà sản xuất đã cung cấp sẵn, sau đó lại vệ sinh lại điện cực của máy.
  • Bước 3: Đo nồng độ oxy hòa tan trong nước ao tôm bằng cách nhúng điện cực vào dung dịch mẫu và khuấy nhẹ. Chú ý là không để điện khí bám trên điện cực.
  • Bước 4: Chờ giá trị đo hiển thị ổn định trên màn hình rồi mới quan sát và lấy kết quả.

Đo nồng độ oxy hòa tan bằng máy đo chuyên dụng

Đo nồng độ oxy hòa tan bằng máy đo chuyên dụng

Kiểm tra bằng bộ test kit SERA O2

Ngoài cách dùng máy đo DO thì bạn cũng có thể dùng bộ test kit SERA O2 để kiểm tra xem ao nuôi tôm có bị thiếu oxy hay không. Cách sử dụng test kit SERA O2 như sau:

  • Bước 1: Dùng mẫu nước ao cần kiểm tra để làm sạch lọ thủy tinh nhiều lần, sau đó đổ đầy mẫu nước đến phần mép lọ và lau khô phần bên ngoài lọ.
  • Bước 2: Trước khi sử dụng, hãy lắc đều chai thuốc thử, sau đó nhỏ 6 giọt thuốc thử số 1 và 6 giọt thuốc thử số 2 vào trong lọ chứa mẫu nước cần kiểm tra. Lưu ý là phải đậy nắp lọ thử ngay sau khi nhỏ và bảo đảm rằng không có bất kỳ bọt khí nào xuất hiện trong lọ. Tiếp đến là lắc đều lọ rồi mở nắp lọ ra.
  • Bước 3: Đặt lọ thử vào nơi nền trắng của bảng so màu, sau đó so sánh màu nước trong lọ với các cột màu để xác định nồng độ oxy (mg/l). Lưu ý là nên thực hiện việc so màu dưới ánh sáng tự nhiên để đảm bảo kết quả so chính xác nhất, tránh so màu ở nơi có ánh sáng trực tiếp mặt trời chiếu vào.
  • Bước 4: Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước sạch trước và sau mỗi lần kiểm tra.

Cách khắc phục tôm thiếu oxy hiệu quả, đơn giản

Để khắc phục tình trạng tôm thiếu oxy trong ao nuôi, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

Tăng nồng độ oxy hòa tan trong nước

Nếu ao nuôi có độ pH và nồng độ DO thấp khiến lượng khí độc H2S tăng lên, gây nguy hiểm cho tôm, bạn cần tiến hành chạy quạt nước và dùng vôi CaCO3 với lượng 20 kg/1.000 m3 để tạt khắp ao. Mục đích của việc này là nâng độ pH và giảm lượng khí độc H2S. Sau khi thực hiện xong, hãy thêm oxy tức thời cho ao nuôi bằng cách chạy quạt nước, tăng thêm lượng quạt, đánh oxy viên, thay nước mới...  

Lưu ý là trong suốt vụ nuôi tôm, bạn cần phải đảm bảo rằng máy bơm oxy hoạt động hiệu quả và được vệ sinh định kỳ.

Chạy quạt nước để tăng lượng oxy trong nước

Chạy quạt nước để tăng lượng oxy trong nước

Điều chỉnh mật độ tôm trong ao

Đầu tiên, bạn cần xác định số lượng tôm đang nuôi trong ao và tính toán mật độ tôm hiện tại (số lượng tôm trên một diện tích cụ thể của ao, ví dụ mỗi mét vuông).

Nếu mật độ hiện tại quá cao, hãy xem xét giảm số lượng tôm bằng cách thu hoạch một phần tôm ra khỏi ao. Điều này giúp giảm áp lực lên nguồn cung cấp oxy và cải thiện điều kiện sống của các cá thể tôm còn lại.  Sau khi điều chỉnh mật độ tôm, quan sát tình trạng oxy hóa trong ao để đảm bảo rằng mức độ oxy trong nước được duy trì ổn định và đủ cho tôm.

Thay đổi lượng thức ăn

Trong giai đoạn thiếu oxy, bạn hãy giảm lượng thức ăn cho tôm xuống để giảm bớt nhu cầu oxy hóa trong ao. Tùy vào tình hình sức khỏe tôm, bạn hãy giảm khoảng 50 – 70% lượng thức ăn xuống, thậm chí là ngừng cho ăn, kết hợp với việc thay nước và chạy quạt nước nhiều hơn.

Bên cạnh đó, bạn hãy sử dụng men vi sinh BZT gốc để phân hủy mùn bã hữu cơ ở dưới đáy ao, tiến hành xi phông đáy ao và bổ sung vitamin C để tôm nhanh chóng hồi phục lại sức khỏe.

Sau khi đã thực hiện các biện pháp trên, bạn cần giám sát chặt chẽ và đo lường các thông số của môi trường nước. Định kỳ, bạn có thể sử dụng các thiết bị đo lường để theo dõi mức độ oxy hòa tan trong nước và các thông số môi trường khác. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời trước những thay đổi của các chỉ số.

Biện pháp phòng ngừa hiện tượng tôm thiếu oxy

Thay vì thực hiện các biện pháp khắc phục tôm bị thiếu oxy, bạn nên áp dụng biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để tránh xảy ra vấn đề này. Cụ thể như sau:

  • Thiết kế vị trí ao ở vị trí thoáng gió, tiến hành nào vét ao sạch sẽ trước khi nuôi và định kì thay nước để bổ sung nước mới có nồng độ oxy cao cho tôm.
  • Chuẩn bị đầy đủ thiết bị, máy móc, thuốc,…. để đề phòng tình trạng dẫn tới thiếu oxy như mưa lớn, đứng gió, sụp tảo, cúp điện, khí độc…
  • Thả nuôi tôm với mật độ vừa phải, đồng thời bố trí dàn quạt nước đủ để cung cấp oxy cho ao nuôi tôm.
  • Quản lý các điều kiện môi trường phù hợp cho tôm phát triển như độ pH, lượng rong, tảo, thức ăn, khí độc,…

Quản lý các điều kiện môi trường phù hợp cho tôm phát triển

  • Định kì đánh men vi sinh xử lý đáy ao BZT gốc để xử lý khí độc, quản lý tảo và ổn định màu nước trong ao tôm
  • Đối với các ao nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa, bạn không nên thả tôm quá nhiều. Đồng thời không để nước bị trong, có quá nhiều rong, xác rong chết, đáy thối và có lượng khí độc lớn.
  • Không nên đào mương quá sâu, sâu trên 1m vì nó sẽ khiến oxy không khuếch tán được xuống dưới đáy ao, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Nếu có điều kiện, bạn nên trang bị máy tạo sóng đề phòng lúc tôm lớn bị thiếu oxy.

Trên đây là các nguyên nhân và cách khắc phục tôm thiếu oxy mà Đông Á muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng rằng những thông tin mà chúng tôi vừa cung cấp ở trên sẽ giúp các bạn nuôi tôm hiệu quả, có vụ nuôi thắng lợi.

Bình luận, Hỏi đáp