Hướng dẫn cách bổ sung khoáng chất cho tôm giúp tôm nhanh cứng vỏ và phát triển tốt

08:40 | 23/06/2024

Tác giả:

Khoáng chất có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tôm, đặc biệt là ở thời điểm tôm lột xác. Việc bổ sung khoáng chất cho tôm kịp thời không chỉ giúp tôm nhanh cứng vỏ, phát triển tốt mà còn giúp tôm tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách bổ sung khoáng chất cho tôm.

Tại sao phải bổ sung khoáng chất cho tôm

Khoáng chất có vai trò quan trọng với sự phát triển của tôm

Khoáng chất có vai trò quan trọng với sự phát triển của tôm

Khoáng chất là các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của tôm, giúp tôm duy trì các chức năng sinh lý cần thiết trong cơ thể. Vậy nên việc bổ sung khoáng chất cho tôm là rất cần thiết. Đối với tôm, khoáng chất có các vai trò chính như sau:

  • Khoáng chất như canxi, phospho, magie là các thành phần cần thiết để xây dựng và duy trì cấu trúc xương và vỏ của tôm.
  • Kali, canxi, magie,… là những thành phần quan trọng trong cấu tạo từ lớp vỏ đến cơ thịt của tôm . Tôm cần lột vỏ thì mới lớn lên và phát triển được. Thời điểm lột vỏ chính là lúc tôm nhạy cảm nhất. Đây cũng là giai đoạn mà tôm cần nhiều khoáng chất nhất để hình thành lớp vỏ mới và hồi phục lại sức khỏe. Khi thiếu khoáng chất, tôm dễ bị cong thân, đục cơ và bị dị dạng.
  • Một số khoáng chất như kali, natri và clorua còn tham gia vào các quá trình điện giải trong cơ thể, điều hòa cân bằng điện giải và axit-bazo, giúp duy trì hoạt động của các cơ quan và các chức năng sinh học khác của tôm.
  • Khoáng chất như sắt, kẽm, đồng và iodine tham gia vào nhiều quá trình sinh học như trao đổi chất, đảm bảo sự phát triển và chức năng của hệ thống miễn dịch, tổ chức của các enzyme cần thiết cho các quá trình trong cơ thể tôm.
  • Một số khoáng chất như sắt, đồng và mangan tham gia vào các phản ứng oxy hóa khử, đóng vai trò quan trọng cho quá trình trao đổi chất và sản xuất năng lượng.
  • Giúp giảm thiểu tác động stress của môi trường và giúp tôm chống lại bệnh tật bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch.

Phân loại khoáng chất cho tôm

Phân loại khoáng cho tôm

Phân loại khoáng cho tôm

Như đã đề cập ở trên thì khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Việc bổ sung khoáng chất cho tôm không những giúp tôm khỏe mạnh mà còn tăng cường khả năng miễn dịch. Khoáng chất cho tôm hiện đang được chia làm 2 loại, đó là khoáng đa lượng và khoáng vi lượng.

Khoáng đa lượng

  • Chủ yếu gồm có canxi, natri, magie, photpho,….
  • Tôm cần lượng khoáng đa lượng rất lớn, đặc biệt là canxi và magie.
  • Giúp cân bằng môi trường sống và duy trì áp suất thẩm thấu cho tôm.
  • Cần thiết cho sự phát triển của hệ sinh vật sống trong môi trường ao nuôi. Hệ sinh vật này chính là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
  • Được bổ sung bằng cách tạt trực tiếp xuống ao nuôi. Khi lượng khoáng trong ao đã đủ mà tôm vẫn có những biểu hiện thiếu khoáng như tôm bị cong thân, mềm vỏ, đục cơ, chậm phát triển,… thì bạn nên trộn các loại khoáng đa lượng trộn vào thức ăn của tôm

Khoáng vi lượng

  • Bao gồm đồng, kẽm, sắt, selen, coban,…
  • Tôm có nhu cầu rất ít đối với khoáng vi lượng nhưng khoáng vi lượng lại rất cần thiết cho các hoạt động sống của tôm.
  • Nếu bổ sung khoáng vi lượng vào nước, tôm sẽ không hấp thụ được vì bị các vi sinh vật và tảo hấp thụ hết. Nếu bổ sung nhiều loại khoáng này thì nó sẽ gây độc cho môi trường và cho tôm nuôi.
  • Nên bổ sung theo cách cho tôm ăn để tôm có thể hấp thu hiệu quả, đúng và đủ lượng.

Hướng dẫn cách bổ sung khoáng chất cho tôm đúng chuẩn

Cách bổ sung khoáng chất cho tôm

Trong quá trình nuôi tôm, việc bổ sung khoáng chất cho tôm cần được chú ý vì nó có vai trò rất quan trọng đối với tôm. Khi thả tôm post, độ kiềm nước ao phải đạt từ 120mg/l trở lên và hàm lượng khoáng canxi nên từ 100mg/l, magie thì từ 300mg/l.

Để bổ sung khoáng cho tôm, bạn có thể thực hiện bằng cách tạt khoáng trực tiếp xuống ao, hoặc cho tôm ăn.

Tạt khoáng

Thời gian bổ sung khoáng thích hợp nên là lúc chiều hoặc sập tối vì tôm thường sẽ lột vỏ vào ban đêm. Sau khi lột xác,nhu cầu hấp thu oxy và khoáng chất của tôm tăng cao. Lúc này tôm sẽ hấp thu khoáng chất từ môi trường bên ngoài để cứng vỏ, quá trình này thường diễn ra vào khoảng 2 - 4 giờ sáng.

Nếu phát hiện thấy tôm có hiện tượng mềm vỏ hoặc cơ thịt không được trong, bạn cần phải tạt khoáng canxi và magie định kỳ với liều lượng khoảng 1kg/1000m3. Lưu ý là phải tạt đều khắp ao.

Cho tôm ăn

Ngoài việc hấp thu khoáng để cứng vỏ thì tôm cũng cần bổ sung khoáng chất để phát triển cơ thịt. Vậy nên việc bổ sung thêm khoáng vào thức ăn cũng là cách làm được áp dụng nhiều.

  • Đối với dạng khoáng bột, bạn nên bổ sung từ 5 - 10mg/kg thức ăn. Cách bổ sung là pha với dầu mực hoặc trộn chung với men vi sinh, sau đó trộn vào thức ăn và cho tôm ăn 2 lần/ngày.
  • Còn với dạng khoáng nước, bạn nên bổ sung từ 5 - 10ml/kg thức ăn. Cách bổ sung là phun đều lên thức ăn, sau đó cho tôm ăn định kỳ 2 lần/ ngày.

Với lượng bổ sung như vậy, tôm có thể hấp thụ khoáng và phát triển cơ thịt tốt hơn.

Đối với những trường hợp tôm bị mềm vỏ kéo dài, khó lột xác do lượng canxi, magie, photpho thấp, bạn phải bổ sung khoáng định kỳ. Cách thực hiện sẽ là tạt khoáng bột xuống ao với liều lượng là 1kg/1000m3 nước ao, kết hợp với trộn khoáng nước 10ml/kg thức ăn (2 lần/ngày).

Trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, giai đoạn từ 30 – 65 ngày là thời điểm mà tôm tăng trưởng mạnh nhất. Lúc này, bạn cần bổ sung khoáng cho tôm bằng cách trộn khoáng vào thức ăn với liều lượng là 5mg/kg thức ăn, sau đó cho tôm ăn 2 lần/ngày.

Một số lưu ý cần nhớ khi bổ sung khoáng chất cho tôm

Lưu ý khi bổ sung khoáng cho tôm

Lưu ý khi bổ sung khoáng cho tôm

Khi bổ sung khoáng chất cho tôm, có một số lưu ý quan trọng mà bạn cần được xem xét để đảm bảo hiệu quả và an toàn, đó là:

  • Trước khi bắt đầu bổ sung khoáng chất, bạn cần phải nghiên cứu và đánh giá nhu cầu cụ thể của tôm nuôi. Mỗi loài tôm có thể có yêu cầu khác nhau về khoáng chất.
  • Lựa chọn các nguồn khoáng chất có chất lượng tốt và được sản xuất bởi những nhà cung cấp uy tín để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
  • Luôn luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về liều lượng và cách sử dụng khoáng chất. Không nên tự ý điều chỉnh liều lượng mà không có sự hướng dẫn chuyên gia.
  • Khoáng chất cần được phân phối đồng đều trong ao nuôi để tất cả các con tôm trong ao đều có thể tiếp cận và sử dụng khoáng chất một cách hiệu quả.
  • Chất lượng nước có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thu và sử dụng khoáng chất của tôm. Vậy nên bạn cần đảm bảo các thông số như độ pH, độ cứng, nồng độ muối và chất hữu cơ trong nước đều trong khoảng lý tưởng.
  • Theo dõi sự phát triển của tôm và đánh giá hiệu quả của quá trình bổ sung khoáng chất để điều chỉnh nếu cần thiết.
  • Đảm bảo khoáng chất được sử dụng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để không ảnh hưởng đến chất lượng và đảm bảo sự an toàn cho tôm.

Trên đây là cách bổ sung khoáng chất cho tôm và những việc cần lưu ý khi thực hiện. Hy vọng rằng đây sẽ là những kiến thức hữu ích giúp người nuôi tôm chăm sóc tôm được tốt hơn. Nếu có bất kỳ ý kiến đóng góp nào, bạn đọc hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp đó để bài viết thêm hoàn thiện hơn.

Bình luận, Hỏi đáp