Hướng dẫn điều trị bệnh đốm đen trên tôm

03:23 | 21/05/2024

Tác giả:

Đối với bà con nuôi tôm, bệnh đốm đen trên tôm có thể nói là một nỗi sợ lớn. Bởi lẽ bệnh có thể gây ra cái chết hàng loạt cho tôm, khiến vụ mùa nuôi tôm gần như mất trắng. Những con tôm dù còn sống thì cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng, tạo điều kiện cho người buôn ép giá. Kết quả là bao nhiêu công chăm sóc của bà con coi như đổ sông, đổ bể.

Để giúp bà con tránh được thực trạng này, Đông Á sẽ chia sẻ cho bà con các nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị bệnh đốm đen trên tôm.

Bệnh đốm đen trên tôm là gì?

Bệnh đốm đen trên tôm có tên gọi tiếng Anh là bệnh Black Spot Disease. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở loài tôm trong ngành công nghiệp thủy sản. Bệnh này này do các vi khuẩn hoặc nấm, thường là Vibrio spp. hoặc Pseudomonas spp gây ra. Khi mắc bệnh, trên cơ thể tôm sẽ xuất hiện các đốm đen hoặc nâu, nhiều nhất là ở trên vỏ và chân.

 

Vi khuẩn gây bệnh Vibrio

Bệnh đốm đen xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào giai đoạn mùa mưa (tháng 6 - 9 âm lịch) hoặc ở những vùng nuôi tôm mà nước có độ mặn thấp, dưới 10%.

Bên cạnh đó, bệnh cũng thường xảy ra ở giai đoạn tôm từ 35 ngày tuổi trở lên. Nguyên nhân là do trong giai đoạn này, tôm đang trong quá trình tăng trưởng nhanh về thể trọng, nhu cầu hấp thu khoáng chất để đáp ứng quá trình lột xác diễn ra liên tục là rất cao.

Những nguyên nhân gây bệnh đốm đen trên tôm mà bà con cần lưu ý

Bệnh đốm đen trên tôm có thể được gây ra bởi khá nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính như sau:

Vi khuẩn

Thường do vi khuẩn Vibrio spp. hoặc Pseudomonas spp. gây ra. Các loại vi khuẩn này có thể gây ra bệnh đốm đen khi tôm tiếp xúc với chúng thông qua môi trường nước nuôi hoặc thức ăn bị ô nhiễm. Khi tiếp xúc với tôm, chúng sẽ ăn mòn lớp vỏ chitin. Việc thực hiện quá trình melanin hóa làm lành vết thương sẽ để lại trên cơ thể tôm các đốm đen.

Virus, nấm hoặc động vật nguyên sinh

Nấm có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến mang tôm và vỏ tôm, khiến những đốm đen xuất hiện trên vỏ. Còn động vật nguyên sinh ký sinh lên cơ thể tôm, khiến vỏ tôm, mang tôm bị tổn thương và hình thành các đốm đen.

Điều kiện môi trường sống không phù hợp với sự phát triển của tôm

 

Điều kiện nước ao nuôi không phù hợp

Nước trong ao nuôi tôm bị ô nhiễm, nồng độ oxy hòa tan thấp, có nhiệt độ cao hoặc pH có sự biến đổi đột ngột có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh.

  • Giai đoạn thời tiết chuyển mùa, mưa liên tục khoảng 4 - 5 ngày hoặc nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ nước tăng cao (trên 29 độ C) dễ làm tôm bị stress tôm.
  • Các ao nuôi có tôm mắc bệnh đốm đen thường có hàm lượng khí độc NH3 hoặc NO2 vượt ngưỡng an toàn
  • Độ mặn của nước thấp, dưới 10 ppt: Những ao nuôi độ mặn thấp, chưa đảm bảo đầy đủ khoáng chất trong nước, các khoáng canxi, magie không đủ để đáp ứng cho quá trình làm vỏ khiến tôm bị yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại.

Stress

Khi tôm bị căng thẳng do môi trường nước nuôi không ổn định, cụ thể là thức ăn không đủ, mật độ nuôi quá cao hoặc có sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện môi trường, hệ miễn dịch của tôm có thể bị giảm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây bệnh trên tôm.

Thiếu vitamin C

Tôm thiếu Vitamin C cũng sẽ xuất hiện các đốm đen ở phần bụng, vỏ ngực và ở phía dưới lớp vỏ kitin ở chân phụ. Tôm sau khi mắc bệnh thường sẽ chán ăn, phần cơ thịt có màu đục. Ở thời kỳ cuối, tôm sẽ bị bại huyết nhiễm khuẩn.

Một số dấu hiệu nhận biết tôm mắc bệnh đốm đen

Tôm mắc bệnh đốm đen sẽ trải qua 3 giai đoạn tiến triển của bệnh. Mỗi giai đoạn, tôm sẽ có những dấu hiệu nhận biết riêng, cụ thể là:

Giai đoạn ủ bệnh

Ở giai đoạn này, khả năng hấp thu khoáng chất của tôm bị yếu đi. Các dấu hiệu về đốm đen tuy chưa xuất hiện nhưng tôm có dấu hiệu mỏng vỏ, mềm vỏ, chậm lột xác, lột xác nhưng lâu cứng vỏ, tôm bắt mồi yếu, một số thì tấp mé hoặc bơi lờ đờ. Phần lớn là tôm sắp lột (tôm cốm, tôm 2 da) hoặc tôm lột xong nhưng chưa cứng vỏ.

Giai đoạn chớm phát bệnh

Bước vào giai đoạn này, nấm và vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công mạnh. Các vị trí nấm và vi khuẩn xuất hiện sẽ có màu ngả vàng, tôm giảm nhớt tại các vị trí bám, trong đó phổ biến là ở vùng sống đuôi, vùng giáp đầu ngực và ở 2 bên thân tôm. Tôm có dấu hiệu ăn ít đi, khó lột vỏ, lột rộ khi cấp nước có thể bị rớt lai rai.

 

Hình ảnh tôm mắc bệnh

Giai đoạn bùng phát bệnh

Bùng phát bệnh là giai đoạn mà nấm phát triển mạnh và kết hợp với vi khuẩn trong ao nuôi. Chúng sẽ ăn mòn lớp vỏ kitin và tạo ra các vết đốm li ti trên toàn bộ thân tôm. Trong trường hợp bệnh nặng, những vết lở loét ăn sâu vào thân vỏ sẽ khiến tôm lột rớt, bỏ ăn, gan ruột yếu, bơi lội lờ đờ,... Khi mắc bệnh nặng, tôm hầu như không còn nhớt, ốp thân và bị lột rớt hàng loạt. Nếu để tôm mắc bệnh đến giai đoạn này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, hiệu quả điều trị thấp.

Cách phòng bệnh đốm đen trên tôm có hiệu quả

Việc điều trị bệnh đốm đen trên tôm không hề dễ dàng. Vậy nên cách tốt nhất là bà con nên thực hiện các giải pháp phòng bệnh ngay từ ban đầu. Cụ thể thì Đông Á sẽ giới thiệu cho bà con một số cách phòng bệnh như sau:

Chọn giống tôm chất lượng

Khi chọn mua con giống, bà con cần chọn giống tôm có khả năng thích ứng tốt với môi trường nuôi và có khả năng chống lại bệnh tốt. Hãy chọn tôm giống từ nguồn có uy tín, không bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm độc.

Quản lý chất lượng nước ao nuôi tôm cẩn thận

Bà con hãy đảm bảo rằng nước trong ao nuôi phải luôn sạch và không bị ô nhiễm. Bằng cách theo dõi các chỉ số như pH, ammoniac, oxy hòa tan, nitrit và nitrat, bà con có thể kiểm soát tình hình nước ao, từ đó đảm bảo chúng ở ngưỡng an toàn cho sự phát triển của tôm.

Vệ sinh ao nuôi tôm

Trước khi thả nuôi tôm, bà còn cần cải tạo kỹ lưỡng nền đáy ao, kiểm soát vi khuẩn từ trước khi thả con giống. Khi nuôi tôm, bà con cần thực hiện vệ sinh ao nuôi đều đặn để loại bỏ các chất cặn và chất ô nhiễm, đồng thời hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh. Việc lắp đặt hệ thống xiphong và hút xiphong hàng ngày sẽ giúp loại bỏ chất hữu cơ và thức ăn dư thừa trong suốt vụ nuôi.

 

Vệ sinh ao nuôi tôm sạch sẽ

Kiểm soát mật độ tôm trong ao

Bà con lưu ý là không nên nuôi quá nhiều tôm trong một ao, việc nuôi tôm với mật độ quá cao có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh và khiến các con tôm làm tổn thương lẫn nhau. Mật độ thả tôm phải phù hợp với cơ sở hạ tầng ao nuôi để đảm bảo đủ lượng oxy trong suốt vụ nuôi.

Sử dụng vi sinh

  • Nhân sinh khối hàng đêm để ổn định pH, tăng mật độ vi sinh có lợi cho ao nuôi và giữ cho môi trường nước ao ít biến động, từ đó tăng sức đề kháng cho tôm.
  • Định kỳ bổ sung khoáng chất, canxi, vitamin, đặc biệt là vitamin C để giúp tôm lột vỏ và có sức đề kháng tốt.
  • Định kỳ kiểm tra mật độ khuẩn và kiểm soát mật độ vi khuẩn gây hại bằng cách sử dụng diệt khuẩn định kỳ. Lưu ý là bà con nên thường xuyên đổi các dòng diệt khuẩn khác nhau như Iodine 90, Nano 79, BKC 80, DM 1000..

Có biện pháp xử lý kịp thời khi thời tiết biến động hay môi trường bất lợi

Khi nắng nóng, bà con cần bổ sung Vitamin C. Khi trời mưa, bà con cần bổ sung vôi để cân bằng hệ đệm cho nước. Ngoài ra bà con cũng cần đảm bảo lượng oxy trong nước ở mức ổn định, tránh việc gia tăng nồng độ khí độc và thiếu oxy khiến tôm bị stress,…

Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm và thực trạng ao nuôi

Trong quá trình nuôi, bà con cần cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối, tránh để tôm bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Hãy đảm bảo rằng thức ăn là phù hợp với nhu cầu của tôm, không bị dư thừa khiến nước ao bị ô nhiễm và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây hại.

Theo dõi sức khỏe bây tôm để kịp thời phát hiện dấu hiệu lâm sàng của bệnh

Việc phát hiện sớm bệnh đốm đen trên tôm sẽ giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn. Vậy nên trong quá trình nuôi, bà con nên thường xuyên kiểm tra tôm trong nhá, tôm ở góc ao, định kỳ kiểm tra tôm tại các phòng thí nghiệm,….

Hướng dẫn điều trị bệnh đốm đen trên tôm

 

Cách điều trị bệnh đốm đen trên tôm

Khi phát hiện thấy các dấu hiệu mắc bệnh đốm đen, bà con cần tiến hành ngay các công việc sau:

- Bước 1: Giảm lượng thức ăn hàng ngày xuống khoảng 30%, chỉ cho tôm ăn 70% lượng thức ăn ban đầu.

- Bước 2: Tổng vệ sinh sát khuẩn ao tôm bằng sản phẩm chuyên trị bênh đốm đen với liều lượng ghi trên bao bì. Mục đích của việc này là diệt sạch các loại virus, vi khuẩn, động vật nguyên sinh gây bệnh nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho tôm. Lưu ý là chỉ sử dụng cho tôm từ 20 ngày tuổi trở lên.

- Bước 3: Bà con kết hợp tạt khoáng vào ban đêm (khoảng 6 - 7h tối) theo liều lượng hướng dẫn, giúp tôm lột bỏ vỏ đang bị đốm đen và nhanh chóng cứng vỏ mới trở lại.

- Bước 4: Sau 36 giờ thực hiện việc diệt khuẩn, bà con tiến hành cấy men vi sinh, kết hợp với mật rỉ đường và nước ao theo tỉ lệ phù hợp, sau đó ủ sục khí trong 6h và cấp xuống ao để cân bằng lại hệ vi sinh trong ao nuôi tôm.

- Bước 5: Tăng cường quạt nước liên tục để cung cấp đủ oxy cho ao nuôi.

Đó là một số thông tin về bệnh đốm đen trên tôm mà Đông Á muốn chia sẻ với bà con. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bà con nuôi tôm khỏe mạnh, an toàn và có một vụ nuôi thành công.

Bình luận, Hỏi đáp