Độ mặn trong ao nuôi tôm có ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Vậy độ mặn trong ao nuôi tôm ảnh hưởng như thế nào đến tôm và cách đo độ mặn cũng như cách làm tăng, giảm độ mặn trong ao ra sao, bà con hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp nhé.
Tại sao phải kiểm soát độ mặn trong ao nuôi tôm
Việc kiểm soát độ mặn trong ao nuôi tôm rất quan trọng vì môi trường nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tôm. Mức độ mặn không phù hợp có thể làm suy giảm sức đề kháng của tôm đối với bệnh tật, khiến tôm bị stress với môi trường. Việc nước quá mặn hoặc quá ngọt đều có thể làm tăng khả năng tấn công của các vi khuẩn, ký sinh trùng lên tôm.
Độ mặn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của tôm trong ao
Môi trường nước có độ mặn phù hợp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tôm phát triển và tăng trưởng. Độ mặn không phù hợp có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của tôm.
Đối với loài tôm thẻ chân trắng, khi độ mặn quá cao ≥ 30 ‰, độ kiềm sẽ biến thiên theo hướng tăng cao và thường ở mức từ 300 ppm trở lên. Ở độ kiềm này, độ pH trong ao thường cao, khoảng ≥ 8,5. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tảo phát triển và nở hoa trong nước. Khi tảo phát triển quá mạnh, lượng oxy sẽ cao vào ban ngày do tảo quang hợp, nhưng khi đêm xuống, ao nuôi tôm sẽ thiếu oxy trầm trọng. Điều này rất dễ khiến tôm bị sốc, nổi đầu.
Khi độ mặn quá cao, tôm sẽ khó lột xác do vỏ dày. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác, ví dụ như tôm chậm lột xác do lượng muối trong nước lớn, tôm lột xác sẽ lâu cứng vỏ, chết lai rai,… Thậm chí một số loài virus, vi khuẩn gây bệnh như đầu vàng, đốm trắng, gan tuỵ, EHP,… còn phát triển mạnh ở trong điều kiện môi trường này.
Khi độ mặn trong nước thấp dưới 10 ‰, quá trình tồn tại, sinh trưởng và phát triển của tôm cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ khi độ mặn trong nước thấp, môi trường nước thường sẽ thiếu nhiều loại khoáng quan trọng như Ca2+, Mg2+, K+,… Đây đều là những khoáng chất cần cho việc tạo vỏ của tôm.
Hơn nữa khi độ mặn thấp, độ kiềm trong nước cũng thường có xu hướng thấp ≤ 100 ppm. Khi nhiệt độ tăng cao, nồng độ oxy hòa tan trong nước cũng giảm dần. Quá trình quang hợp, hô hấp của tảo bị ảnh hưởng kéo theo nồng độ oxy trong ao nuôi bị biến động. Khi lượng oxy trong nước giảm đi, quá trình trao đổi chất của tôm sẽ bị giới hạn.
Độ mặn thấp khiến tôm chậm phát triển
Độ mặn trong ao nuôi tôm bao nhiêu là phù hợp
Mỗi loại tôm sẽ sinh trưởng và phát triển tốt trong một môi trường có độ mặn thích hợp. Vậy nên bà con cần nắm chắc kiến thức này để tạo độ mặn phù hợp với loại tôm mình.
- Đối với tôm thẻ chân trắng: Có thể chịu được độ mặn dao động từ 2 – 40‰, trong đó khoảng sinh trưởng tốt nhất là ở 10 – 25‰. Nếu độ mặn của nước ao vượt quá 35‰, tôm sẽ có biểu hiện chán ăn và chậm lớn. Còn khi nước ao có độ mặn quá thấp, bà con cần bổ sung các dưỡng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, giúp tôm phát triển tốt hơn.
- Đối với tôm sú: Tôm sú có thể sống trong môi trường có độ mặn dao động từ 3 - 45‰, trong đó khoảng tốt nhất để tôm phát triển là từ 15 – 20‰.
Nhìn chung thì khoảng độ mặn thích hợp để tôm sinh trưởng và phát triển sẽ dao động từ 10 – 20‰. Do đó, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho tôm, việc duy trì mức độ mặn trong khoảng này là rất quan trọng.
3 cách đo độ mặn ao nuôi tôm thường được sử dụng
Để đo độ mặn ao nuôi tôm, bà con có thể áp dụng một trong 2 cách dưới đây:
Sử dụng tỷ trọng kế đo độ mặn
Tỷ trọng kế là một thiết bị được sử dụng để đo độ mặn của nước dựa theo nguyên lý tỷ trọng của dung dịch muối. Thiết bị này thường được sử dụng trong các ứng dụng thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản để kiểm tra độ mặn của nước trong ao nuôi.
Sử dụng tỷ trọng kế
Dưới đây là một số đặc điểm của tỷ trọng kế đo độ mặn
- Khoảng đo độ mặn của tỷ trọng kế: 0 – 55‰.
- Ưu điểm: Nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang theo bên mình và có giá thành rẻ.
- Nhược điểm: Dễ bị vỡ và có độ chính xác ở mức tương đối.
Hướng dẫn sử dụng
- Bước 1: Mở nắp của tỷ trọng kế theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.
- Bước 2: Lấy dụng cụ ra khỏi hộp đựng theo chiều hướng thẳngg đứng, sau đó nhẹ nhàng lau sạch dụng cụ bằng mẫu nước cần đo độ mặn.
- Bước 3: Lấy miếng lót ra khỏi hộp đựng dụng cụ, sau đó tráng rửa vài lần hộp đựng bằng mẫu nước cần kiểm tra độ mặn rồi mới đổ đầy nước cần kiểm tra vào hộp.
- Bước 4: Cầm thẳng đứng tỷ trọng kế rồi xoay tròn nó vài vòng theo hướng ngược - xuôi theo chiều kim đồng hồ, sau đó bỏ vào hộp đo.
- Bước 5: Nhìn ngang mặt nước xem mặt nước trùng với vạch nào ở trên cần có khắc vạch, đọc kết quả phần ngang theo vạch trùng với mực nước (Nếu mực nước không trùng với vạch nào thì đọc kết quả theo vạch gần với mực nước nhất)
- Bước 6: Khi kiểm tra độ mặn xong thì rửa sạch dụng cụ đo và hộp đựng bằng nước ngọt. Lau khô rồi bỏ vào hộp đựng theo thứ tự mốp lót rồi mới đến thiết bị đo. Cuối cùng là đậy nắp bằng cách vặn nắp theo chiều kim đồng hồ cho đến khi thấy nắp vừa chặt thì dừng lại.
Lưu ý: Đo lúc trời mát và lấy mẫu nước ở chỗ nước ít động thì kết quả sẽ đạt được độ chính xác tối ưu.
Sử dụng khúc xạ kế quang năng
Khúc xạ kế là một thiết bị được sử dụng để đo độ mặn của nước dựa theo nguyên lý khúc xạ của ánh sáng khi đi qua dung dịch muối.
Đặc điểm của dụng cụ đo này là:
- Phạm vi đo rộng và có độ phân giải cao
- Độ chính xác tốt, có độ bền lâu dài
- Dễ sử dụng, gọn nhẹ, thuận tiện để mang theo bên mình.
Hướng dẫn sử dụng:
- Bước 1: Hiệu chuẩn lại thiết bị bằng cách nhỏ một vài giọt nước cất vào bề mặt lăng kính, sau đó đậy tấm chắn sáng lại. Quan sát thang đo thông qua thị kính và dùng vít hiệu chuẩn để chỉnh lại sao cho nền xanh của máy về lại mức 0. Sau khi đã hiệu chỉnh xong thì dùng khăn mềm lau lại lăng kính cho sạch.
- Bước 2: Nhỏ 1 – 2 giọt dung dịch mẫu nước cần đo lên lăng kính rồi đậy tấm chắn sáng sao cho phần dung dịch phủ đều lên trên lăng kính và không có bọt khí.
- Bước 3: Hướng đầu lăng kính của khúc xạ kế theo hướng nguồn sáng và tập trung quan sát qua thị kính, đồng thời điều chỉnh tiêu cự cho đến khi mắt thấy rõ tỉ lệ.
Hướng đầu lăng kính của khúc xạ kế theo hướng nguồn sáng và tập trung quan sát qua thị kính
- Bước 4: Đọc số trên thang đo bằng việc lấy giá trị ở tỷ lệ tại điểm giao nhau giữa phần tối và phần sáng.
- Bước 5: Sử dụng giấy hoặc khăn khô, mềm thấm nước đi.
Sử dụng khúc xạ kế đo độ mặn kỹ thuật số
Với khúc xạ kế đo độ mặn kỹ thuật số, quá trình phân tích mẫu và tính toán kết quả sẽ do máy thực hiện. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Dùng nước cất hoặc dung dịch chuẩn để hiệu chuẩn máy đo khúc xạ kế.
- Bước 2: Tiến hành làm sạch khoang chứa dung dịch mẫu rồi nhỏ vài giọt dung dịch mẫu vào trong khoang chứa. Hoặc có thể nhúng điện cực vào trong dung dịch mẫu nước cần đo độ mặn.
- Bước 3: Bật máy bằng cách dùng nút ON/OFF và thao tác cùng với nút READ/START có thể phối hợp với các nút chức năng đo của máy.
- Bước 4: Quan sát và đọc kết quả đo hiển thị ở trên màn hình máy.
Cách làm tăng, giảm độ mặn cho ao nuôi tôm
Bằng cách quan sát thủy sản, sinh vật trong ao, bà con có thể phát hiện được vấn đề độ mặn trong ao nuôi tôm đang không phù hợp. Nếu thấy tôm, cá có dấu hiệu chậm lớn, bà con cần tiến hành đo độ mặn nước ao ngay để kịp thời thực hiện biện pháp tăng, giảm độ mặn phù hợp.
Cách tăng độ mặn
Để tăng độ mặn trong ao, bà con có thể làm theo một trong những cách sau: như sau:
- Hòa tan 22kg vôi bột trong 100m3 nước ao để khử trùng và ổn định độ pH trong ao. Cách làm này nên được thực hiện trước lúc thả đàn tôm mới. Nếu đang nuôi thả thì bà con hãy thả vôi ở gần bờ, không thả với số lượng nhiều vì nó có thể làm chết tôm.
Rải vôi xuống ao tôm
- Sử dụng chế phẩm sinh học đánh xuống ao, nhưng phải chọn loại có nguồn gốc rõ ràng để hạn chế rủi ro làm tôm chết.
- Chuẩn bị một ao lắng chứa nước, sau đó đưa nước biển vào trong ao và để nước bốc hơi lên. Khi nước bốc hơi, độ mặn trong ao sẽ tăng lên. Cách này có thể áp dụng với những khu vực nuôi tôm gần biển.
- Hòa muối với nước theo liều lượng được hướng dẫn trên bao bì, sau đó đánh xuống ao từ từ để tránh làm gây sốc cho tôm.
- Dùng nước ót, một loại nước còn tồn lại ở trong ruộng muối sau khi đã lấy muối kết tinh ra để tăng độ mặn cho nước ao tôm. Do độ mặn của nước ót khá cao mà liều lượng nước ót thường được sử dụng là 1 lít nước ót hòa với 100 lít nước ao.
Khi đã thực hiện các biện pháp làm tăng độ mặn cho ao tôm, bà con nên bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn để trợ sức, trợ lực cho tôm.
Cách giảm độ mặn
Sau khi đã thấy các dấu hiệu bất thường của tôm trong ao và đã kiểm tra, phát hiện nước đang có độ mặn thấp, bà con có thể thực hiện cách dưới đây để giảm độ mặn, đó là:
- Thay nước 3 lần một ngày, chú ý chỉ nên thay từ 20 - 30% lượng nước có trong ao.
- Xử lý tảo sau khi thực hiện xong việc cấy vi sinh xử lý đáy ao. Giảm lượng tảo trong ao sẽ giúp môi trường nước sạch hơn, độ mặn nhờ đó cũng trở về mức bình thường.
- Sử dụng quạt gió để tăng nồng độ oxy hòa tan trong nước.
Trên đây là một vài cách đo độ mặn ao nuôi tôm mà Đông Á muốn chia sẻ đến bà con. Hy vọng rằng bài viết này có thể giúp bà con quản lý ao nuôi tôm hiệu quả hơn. Bằng cách kịp thời đưa ra giải pháp làm tăng hoặc giảm độ mặn trong ao, chúng tôi hi vọng bà con sẽ có một vụ nuôi tôm thắng lợi.