Kết thúc đời sống của một sản phẩm được sản xuất từ hóa chất đều được thải loại ra môi trường và gây ô nhiễm nếu không được quản lý tốt. Do vậy, việc thu gom, xử lý, tái chế... các sản phẩm hóa chất một cách an toàn là điều hết sức cần thiết để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiện nay, ngành hóa chất nước ta gồm 12 phân ngành chủ chốt như sản xuất phân bón, cao su, chất tẩy rửa, công nghiệp hóa dầu, hóa dược… Đây đều là những ngành quan trọng phục vụ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Để quản lý công tác an toàn hóa chất, Luật Hóa chất có hiệu lực từ năm 2007, cùng với hệ thống văn bản pháp lý gồm các nghị định, thông tư hướng dẫn góp phần đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Viện Khoa học, Môi trường và Phát triển đưa ra kết luận: Không có bất kỳ con sông nào trên địa bàn TP Hà Nội đạt điểm không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ. Nguyên nhân là do hóa chất rác thải từ sinh hoạt và công nghiệp; các hóa chất dùng trong nông nghiệp và các nguồn nhiễm xạ, nhiễm bẩn từ các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất xả thải ra môi trường.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Ngô Thái Nam cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các sự cố hóa chất làm căn cứ để các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hóa chất. Song thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt mà chưa thực hiện biện pháp an toàn hóa chất. Các sản phẩm chứa hóa chất nói chung khi thải ra môi trường với nồng độ cao hơn ngưỡng tự làm sạch của nó thì môi trường sẽ bị ô nhiễm và tùy vào từng mức độ ô nhiễm khác nhau dẫn đến việc bị ô nhiễm nhẹ, ô nhiễm nặng, thậm chí môi trường có thể bị chết.
Việc một số doanh nghiệp chưa thực hiện biện pháp an toàn hóa chất được coi là mặt trái của phát triển công nghiệp, nguy hiểm nhất là việc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy hệ sinh thái. Song, theo các chuyên gia, công tác quản lý ô nhiễm do hóa chất hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất còn chồng chéo, trong khi bộ máy nhân sự quản lý tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng. Ngoài ra, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hóa chất còn chưa tốt. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu như các doanh nghiệp chưa tự giác trong việc chi phí để xử lý ô nhiễm và khả năng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở hóa chất Nhà nước sẽ phải chi phí lớn cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và dự báo những cơ sở nào có thể gây ô nhiễm nặng.
Hóa chất là ngành công nghiệp quan trọng và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhưng cũng kèm theo đó là những rủi ro về môi trường. Như chúng ta cũng đã thấy, cái giá của việc xử lý rác thải của hoạt động hóa chất ra môi trường rất đắt và nếu vẫn còn tình trạng không tuân thủ biện pháp an toàn thì môi trường và sức khỏe con người sớm muộn sẽ hứng chịu hậu họa. Do đó, việc cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết trong bối cảnh số lượng và chủng loại hóa chất được đưa vào nước ta ngày một tăng như hiện nay.
(Dongachem sưu tầm)