Quy định reach của EU đối với hóa chất và các sản phẩm có chứa hóa chất

10:56 | 26/06/2017

Cục Hóa chất phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU - Việt Nam MUTRAP III), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phổ biến Quy định về Đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hoá chất.

Cục Hóa chất phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU - Việt Nam MUTRAP III), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phổ biến Quy định về Đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hoá chất (REACH) của EU.

HỘI THẢO “PHỔ BIẾN QUY ĐỊNH REACH CỦA EU ĐỐI VỚI HÓA CHẤT VÀ CÁC SẢN PHẨM CÓ CHỨA HÓA CHẤT”

Ông Nguyễn Nam Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Giám đốc Dự án EU - Việt Nam MUTRAP III chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo là lãnh đạo và đại diện các Sở Công Thương, các tập đoàn và hiệp hội doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

REACH là một quy định khá phức tạp của EU, có tác động đến hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Do vậy, việc trang bị cho doanh nghiệp kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ về Quy định REACH là điều rất cần thiết đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo Quy định này, danh mục bắt buộc khai báo bao gồm tất cả các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp liên quan đến tiêu dùng như hóa chất, nhuộm, in, vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, đồ điện tử, vật dụng trong nhà, đồ gỗ, mỹ phẩm, chất thơm trong nến, sơn... Đây là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Reach_hoa_chat_EURO


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải phát biểu khai mạc hội thảo. Ông nhận định, mục tiêu bao trùm của các chính sách và quy định của EU là nhằm tăng cường bảo vệ sức khoẻ con người và an toàn môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định mới này, bên cạnh những lợi ích cơ bản tích cực, còn cần lưu ý đến những tác động trực tiếp và thách thức không nhỏ đối với không chỉ các nhà sản xuất hoá chất mà cả tới đối tượng tham gia vào ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn có sử dụng hoá chất đã có hoặc đang có kế hoạch xuất khẩu vào EU, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc nắm bắt và hiểu một cách đầy đủ nội dung và yêu cầu cụ thể của các chính sách và quy định mới của EU để có các biện pháp đáp ứng phù hợp là điều hết sức cần thiết đối với các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp của Việt Nam.

Các bài tham luận tại hội thảo đã đề cập đến Quy định REACH của EU và sự liên quan mật thiết đến các doanh nghiệp có hàng hóa xuất hàng sang EU. Đây là Quy định nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người và môi trường ở mức cao bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất mà không ảnh hưởng đến lưu thông hóa chất trong thị trường EU. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất-nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng hóa chất phải đảm bảo các hóa chất đó không gây hại cho con người và môi trường. Để đáp ứng được yêu cầu này, các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào EU cần phải nâng cấp hệ thống quản lý đối với các chất hóa học trong sản xuất.

Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương mở đầu các bài tham luận tại hội thảo qua bài giới thiệu về tổng quan về Quy định REACH của EU và tình trạng quản lý hóa chất ở Việt Nam. Quy định REACH bao gồm 4 nội dung cơ bản: đăng ký (mỗi hoá chất một đăng ký); đánh giá (đánh giá mức độ độc hại của hoá chất và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp); cấp phép (các hoá chất phải được cấp phép trước khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu); hạn chế hoá chất (hạn chế sản xuất, kinh doanh một số hoá chất và các sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm).

Tiếp theo là các bài tham luận của các diễn giả đại diện cho các Hiệp hội bị tác động, ảnh hưởng của REACH và hành động của ngành: Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam (LEFASO); Viện Dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX); Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam (VPIA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES).

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Sinh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hoá chất, Cục Hoá chất, Bộ Công Thương cũng giới thiệu về Quy định về “Hạn chế hoá chất nguy hại trong sản phẩm điện tử” (RoHS) của EU và tình hình áp dụng RoSH tại Việt Nam. Theo Quy định RoSH, 6 loại chất độc hại bị cấm sử dụng là: cadmium (Cd), thuỷ ngân (Hg), chromium hoá trị 6, hợp chất của Brom, như: PBBs (polybrominated biphenyls), PBDEs (polybrominated biphenyl ethers) và chì (Pb). Tất cả các thiết bị như: máy tính xách tay, điện thoại di động, thiết bị IT, thiết bị nghe nhìn và đồ dùng gia đình, thiết bị văn phòng, dụng cụ bằng điện và điện tử, đồ chơi, bóng đèn… đều chịu sự điều chỉnh của RoHS.

Theo Hiệp hội bảo vệ môi trường (EPA), đồ điện tử (ti vi, máy tính xách tay, thiết bị ngoại vi, điện thoại…) chiếm tới 2% trong số toàn bộ rác thải hiện nay. Mặc dù số lượng không lớn nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của loại rác thải này khá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người và môi trường. Theo đó, việc xây dựng một Trung tâm RoHS là điều cần thiết để làm cơ quan đầu mối xử lý các vấn đề tuân thủ Quy định RoHS tại Việt Nam.

Trong phần thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng những nội dung trình bày đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích để tham khảo trong quá trình thực hiện sau này. Đồng thời, kết quả của hội thảo còn giúp cho các cơ quan chính phủ cũng như các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các chính sách cũng như nâng cao năng lực thực thi hiệu quả các quy định của EU.

Hội thảo về “Phổ biến quy định REACH của EU" cho các các tỉnh phía Nam sẽ được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 23 tháng 7 năm 2010.

Theo Cục hóa chất
(Dongachem sưu tầm)

 

 

Bình luận, Hỏi đáp