Nghiên cứu này gồm hai phần chính là thực trạng sản suất hóa chất gần đây và xếp hạng các công ty sản xuất hóa chất uy tín nhận được sự hài lòng của khách hàng. Phân tích dựa trên thông tin các công ty thuộc 6 nhóm ngành sau: công ty phân bón có sản xuất hóa chất, nhóm hóa chất cơ bản, nhóm hóa dầu, nhóm bột giặt, nhóm cao su và nhóm sơn.
Thực trạng sản xuất hóa chất tại Việt Nam gần đây
Ngành công nghiệp hóa chất ở nước ta từ năm 1990 đã được quan tâm đầu tư nên có tốc độ phát triển khá nhanh. Đến năm 2009 Việt Nam đã có đầy đủ các phân ngành của công nghiệp hóa chất, sản phẩm cũng ngày càng đa dạng. Những năm gần đây đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao của nhiều nhóm hóa chất như: chất tẩy rửa (chiếm 24% cơ cấu toàn ngành) và nhóm phân bón (chiếm 20% cơ cấu toàn ngành), trong khi các nhóm khác như thuốc bảo vệ thực vật đang có dấu hiệu chững lại về sản lượng cũng như doanh thu. Công nghiệp cao su và sơn, mực in cũng chiếm tỉ trọng đáng kể, theo thứ tự là 22% và 10%.
Giá trị sản xuất hóa chất 2016 nói chung đạt 395 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với 2015, chiếm 37,4% tỷ trọng sản xuất hóa chất so với toàn ngành công nghiệp sản xuất và đóng góp tới 12,9% cho GDP nước nhà.
Về tình hình xuất nhập khẩu hóa chất:
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành hóa chất vì khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào còn thấp, đó cũng là một trong những điểm yếu của ngành hóa chất ở nước ta. Trung Quốc luôn là thị trường chính cho nhập khẩu hóa chất với khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hóa chất 2016. Thực tế trong thời gian qua việc nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về để phục vụ cho hàng loạt nhà máy sợi, dệt nhuộm có vốn đầu tư từ đại lục Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan nơi mà giá cả sản phẩm hóa chất rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, hóa chất cũng được nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada...nhưng với lượng và giá trị rất thấp, chưa bằng ¼ kim ngạch nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.
Tổng giá trị nhập khẩu hóa chất năm 2016 là 6.9 tỷ USD, trong đó giá trị hóa chất nhập để điều chế các hợp chất khác lần đầu tiên đạt 1,02 tỷ USD. Trái ngược với nhập khẩu, giá trị xuất khẩu hóa chất của Việt Nam ra nước ngoài chỉ đạt 0,93 tỷ USD trong năm 2016. Nhật Bản là thị trường chủ lực nhập khẩu hóa chất từ Việt Nam, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hóa chất cả nước.
Tỷ trọng công nghiệp hóa chất so với cơ cấu toàn ngành công nghiệp đạt 11,2%.
Các công ty sản xuất hóa chất uy tín tại Việt Nam đạt được sự hài lòng của khách hàng
Nhóm công ty phân bón sản xuất hóa chất
Năng lực sản xuất phân bón ở nước ta mới chỉ đạt được 45% nhu cầu trong nông nghiệp, chủng loại cũng không đa dạng. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước vẫn đang không ngừng tăng sản lượng với mức trung bình 10%/năm.
Dựa theo khảo sát của Vibiz trên 10.000 người nông dân, và nghiên cứu, xét về độ uy tín và được sự hài lòng của khách hàng thì Tổng công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu Khí đứng ở vị trí top đầu với 71.3% người dùng biết tới, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này cũng chạm tới mức 1.385,2 tỷ đồng. Theo sau về độ uy tín là Đạm Cà mau, Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao và Phân đạm Hóa chất Hà Bắc…đây hầu hết là những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Nhóm các công ty hóa chất cơ bản
Là lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, nhưng hiện nay năng lực sản xuất hóa chất cơ bản của nước ta còn quá nhỏ bé. Việt Nam vẫn chưa sản xuất được các loại hóa chất hữu cơ cơ bản (metanol, etanol, cloroform, axetadehyt, benzen, toluen…) thiếu một số hoá chất vô cơ cơ bản có nhu cầu lớn như axit nitric, axit photphoric, soda… chưa phát triển được các sản phẩm hoá chất tinh khiết sử dụng trong dược phẩm, chế biến thực phẩm, cao su, nghiên cứu khoa học… chưa có khả năng sản xuất các loại nguyên liệu nhựa. Chỉ một số doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản có sản lượng đáng kể như công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Tico hay Cty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam, công ty hóa chất Đông Á Phú Thọ… Từ khảo sát của Vibiz, chiếm trên 50% người dùng nhận biết có công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, công ty Hóa chất cơ bản Miền Nam, tuy nhiên về uy tín cũng không thể không kể đến Hóa chất Việt Trì và Cty CP Hơi Kỹ Nghệ Que Hàn.
Nhóm các công ty Hóa dầu
Hiện nay ngành công nghiệp hóa dầu trong nước chưa phát triển, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nội địa, trong đó phải kể tới nhà máy lọc dầu Dung Quất của doanh nghiệp lọc hóa dầu Bình Sơn. Chỉ một số doanh nghiệp sử dụng dầu thô, khí… để chế biến các sản phẩm phân bón, sợi... như Cty Cp Phân bón Dầu khí Cà Mau, Hóa phẩm Dầu khí và TPC Vina…Công ty Cổ phần Phân bón và dầu khí Cà Mau có lợi nhuận sau thuế trong năm 2016 là 4.910 tỷ VND và chiếm 33,8% về mức độ nhận biết thương hiệu trong năm 2017. Tiếp đó phải kể đến Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, tuy lợi nhuận sau thuế của công ty không cao như một số doanh nghiệp khác, nhưng công ty lại có mức độ nhận biết thương hiệu từ phía khách hàng là khá cao, với 21,9%.
Nhóm các công ty Bột giặt
Thị trường bột giặt Việt Nam bị chi phối bởi các ông lớn nước ngoài như Unilever chiếm hơn 65% thị phần bột giặt Việt Nam (với các sản phẩm là Omo, Surf và Viso), P&G chiếm hơn 16% thị phần Việt Nam (với các sản phẩm là Ariel và Tide), trong khi những thương hiệu bột giặt trong nước Như Lix, Net...khá im tiếng. Nổi bật lên trong những thương hiệu bột giặt nước nhà phải kể đến Aba (chiếm 7% thị phần) của Đại Việt Hương, đối đầu với Omo và Ariel.
Omo vẫn là nhãn hiệu được tin dùng nhất ở mọi vùng miền. Ở miền Trung, nhãn hiệu được ưa chuộng ở vị trí thứ 2 thuộc về Aba. Ở thị phần nông thôn, Mỹ hảo là thương hiệu được tin dùng vì giá thành rẻ hơn so với các thương hiệu khác. Trong khi Omo và Ariel là sự lựa chọn phổ biến ở thành thị của các vùng miền. Ở miền Trung, Aba cũng được ưa chuộng nhiều với 13% người tin dùng, đứng thứ 2 sau Omo
Nhóm các công ty Cao su
Trong suốt 5 năm vừa qua nối tiếp những khó khăn mà ngành cao su thiên nhiên gặp phải khi giá cao su thiên nhiên liên tục giảm, tuy nhiên năng lực sản xuất vẫn ở mức cao và dẫn đầu châu Á từ năm 2013. Việt Nam sử dụng cao su chủ yếu cho sản xuất săm lốp, găng tay, gối nệm... Từ năm 2015, sản xuất các sản phẩm từ cao su đều tăng trưởng mạnh do giá cao su nguyên liệu liên tục lao dốc nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng mạnh trong tiêu thụ ôtô trong nước và trên thế giới.
Về sản xuất lốp xe ô tô và xe tải nhỏ, Sailun và Kumho chiếm 50% thị trường sản xuất bánh xe tại Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn những doanh nghiệp khác như Bridgestone (chiếm 11,2% thị trường), Cheng Shin (chiếm 7,8% thị trường) hay Kenda (6,5% thị trường). Doanh nghiệp Việt Nam có Cao su Miền Nam (54,3% người tiêu dùng biết đến) và Cao su Đà Nẵng (17% người tiêu dùng biết đến) cũng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng với thị phần lần lượt là 6,5% và 4,9%.
Tuy chỉ đứng thứ 3 thị phần tại Việt Nam nhưng Bridgestone lại dẫn đầu về mức độ tin dùng (76,4%) dựa theo kết quả khảo sát 10.000 người tiêu dùng nữ trên 22 tuổi.
Đối với các thương hiệu nệm cao su, người tiêu dùng Việt Nam quen thuộc với những thương hiệu đệm cao su của Kymdan, nệm Liên Á, nệm Vạn Thành, nệm Kim Cương hay cao su kỹ thuật Đồng Phú…qua nhiều chương trình quảng cáo và khuyến mãi tới người tiêu dùng. Rõ ràng trong thị trường đệm cao su, hàng Việt đang dần chiếm ưu thế hơn hàng ngoại.
Nhóm các công ty Sơn
Theo thống kê của hiệp hội Sơn Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn nhưng thị phần sơn có phần nghiêng về phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với những sản phẩm đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam (chiếm 65% thị phần sơn Việt Nam). Hầu hết các hãng sơn lớn của Thế giới đều xuất hiện tại Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Hiện những doanh nghiệp lâu năm có vồn đầu tư nước ngoài với những dòng sản phẩm quen thuôc với người tiêu dùng Việt Nam như 4 Orange, Nippon và Jotun có mức độ nhận biết lần lượt là 56,1%; 59,6% và 35%... Thị phần của những doanh nghiệp này cũng ở mức cao nhất với 4 Orange là 40%, Nippon là 16% và Jotuon là 10% (kết quả khảo sát từ 10.000 người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn). Một số doanh nghiệp sơn khác cũng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng là Akzonobel, L.Q Joton, Kova và Tison…
Kết luận
Trong thời kì hội nhập ngày nay, ngành hóa chất nước nhà vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển mạnh, các doanh nghiệp hóa chất đang đối mặt với những khó khăn về cạnh trạnh chất lượng, giá cả sản phẩm cũng như phải bắt kịp với trình độ quản lý và kỹ thuật cao của các nước trong khu vực và trên thế giới...Ở mảng sản xuất chất tẩy rửa và sơn, các tập đoàn đa quốc gia đang thống trị thị trường và các doanh nghiệp trong nước chủ yếu chỉ thực hiện gia công cho họ với mong muốn có 1 phần trên thị trường để tồn tại. Hầu hết các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ nên hiện đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp và gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài có sẵn tiềm lực tài chính cũng như trình độ công nghệ và có nhiều chiến lược phát triển hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp hóa chất trong nước phải nỗ lực hơn nữa trong sản xuất để tìm lối đi riêng cho mình.
Với thế mạnh của 1 chuyên trang hàng đầu về cơ sở dữ liệu tri thức kinh tế, nhằm hỗ trợ khách hàng có được những thông tin tức thời, chính xác, chất lượng trong các lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, chuyên trang Vibiz.vn với 2 giải pháp: Cập nhật thông tin tự động, và phân tích thông tin theo yêu cầu sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất dựa trên thông tin thực theo thời gian thực, cũng như nâng cao sức cạnh tranh.
(Theo Vibiz)